“Chưa lúc nào cơ hội cho thanh niên lại nhiều như hiện nay. Tuy nhiên cơ hội đó lại rất ít với những thanh niên ở vùng sâu vùng xa, Phó thủ tướng nghĩ sao về vấn đề này ”, đại biểu Trương Quốc Hội, tỉnh Quảng Nam hỏi
Ông Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận, giáo dục ở những vùng này còn gặp hạn chế vì chưa có cơ quan quản lí theo dõi. Vừa qua, Bộ GD&ĐT mới quyết định cho thành lập Vụ giáo dục dân tộc nhằm nâng cao chất lượng ở vùng này. Hiện nay ở vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số, bà con chỉ giành khoảng 6 - 8% trong tổng thu nhập chi phí cho con đi học.
![]() |
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao câu hỏi thẳn thắn của các bạn trẻ. Ảnh: PV |
Theo Phó thủ tướng, thời gian tới, cần tiếp tục thúc đẩy kinh tế địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Muốn kinh tế địa phương phát triển, phải có hệ thống thông tin phát triển, người dân ở đó mới biết cần phải trồng gì, nuôi gì, sản xuất gì.
Đại biểu Nguyễn Quang Hải đề nghị Phó thủ tướng cho biết về đề án hỗ trợ thanh niên học nghề do T.Ư Đoàn phối hợp cùng Bộ LĐTB&XH trình lên Chính phủ với số tiền 10.000 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải điều chỉnh tâm lý coi nặng việc học ĐH, coi nhẹ học nghề. Các nước phát triển, chỉ có 35% người tốt nghiệp PTTH học ĐH, còn lại 65% học nghề. Điều này hoàn toàn là bình thường. Chính phủ đã giao cho Đoàn thanh niên cùng một số cơ quan trong 3 năm (2008 - 2010) triển khai một số chương trình như thanh niên khởi nghiệp; bồi dưỡng doanh nhân, tuyên dương doanh nghiệp trẻ; xây dựng 10 trung tâm dạy nghề kiểu mẫu trên toàn quốc (những thanh niên đã qua trung tâm này chắc chắn sẽ có việc làm.)
Ngoài ra, còn 4 chương tín dụng quan trọng: ưu đãi học nghề, cho vay đi lao động ở nước ngoài, nâng cấp mở rộng các trường nghề và bồi dưỡng doanh nhân trẻ. Tổng kinh phí đề án là 10.000 tỷ đồng, kéo dài trong 5 năm (2008 – 1012). "Chương trình này là quả bóng trong tay tổ chức đoàn. Nếu các bạn tổ chức chơi tốt sẽ có ích cho thanh niên", Phó thủ tướng ví von.
![]() |
Đại biểu thích thú trước mỗi câu trả lời. Ảnh: PV |
Câu hỏi về đề án 10.000 tỷ đồng vừa dứt, Bùi Việt Phương, đại diện tuổi trẻ ngành quân đội thẳn thắn đặt câu hỏi “Hàng năm, số thanh niên hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương rất lớn. Khi xin vào làm tại các khu chế xuất, liên doanh họ đòi hỏi phải có tay nghề. Vậy Chính phủ có giải pháp gì tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự”.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Bạch Hồng, hiện Bộ Quốc phòng hỗ trợ ít nhất 6 tháng lương để bộ đội xuất ngũ đi học nghề. Bộ LĐTB&XH cùng Bộ Quốc phòng đã phối hợp nâng cấp 18 trường dạy nghề trong quân đội. Trong chương trình xuất khẩu lao động, cũng luôn dành 50% chỉ tiêu cho quân nhân xuất ngũ.
Tối 20/12, với đa số phiếu, anh Võ Văn Thưởng, tái đắc cử bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn khóa IX (nhiệm kì 2007 - 2012). Chị Lâm Phương Thanh, anh Nguyễn Hoàng Hiệp làm bí thư T.Ư Đoàn. Hội nghị cũng bầu ra 27 người vào ban thường vụ T.Ư Đoàn khóa IX. Sáng nay (21/12), bế mạc Đại hội Đoàn toàn quốc. |
Trả lời đại biểu Nguyễn Anh Tuấn về vấn đề cải cách hành chính, ông Nhân cho biết, vấn đề này Chính phủ đã triển khai hơn 10 năm. Tuy nhiên, đến nay nếu hỏi người dân, doanh nghiệp bằng lòng chưa, chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời chưa hài lòng. Phó thủ tướng cho rằng, một vấn đề rất khó liên quan đến cải cách hành chính đó là trả lương theo hiệu quả công việc.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Lê Doãn Hợp, cho biết thêm, bộ này đang hoàn thiện đề án Chính phủ điện tử. “Nếu ứng dụng rộng rãi sẽ thực hiện được 3 giảm (giảm chi phí, giảm thời gian, giảm công sức của dân) và 4 tăng (tăng thu nhập, tăng nhận thức, tăng niềm tin, và tăng tình đoàn kết).
Tuấn Anh