Người xác nhận loại máu của Tô Công Luân là tiến sĩ Lê Hoàng Oanh, Khoa Huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy, người từng trực tiếp theo dõi và cấp cứu cho Luân. Còn bác sĩ Tạ Phương Dung, Trưởng Khoa Thận Bệnh viện Nhân dân 115, người điều trị cho ông Tài xác nhận, ông có nhóm máu O. Ngay cả ông Tài cũng thừa nhận rằng do có nhóm máu O nên việc ghép thận của ông gặp nhiều khó khăn, vì không có người cho thận mang cùng nhóm máu.
Trao đổi với VnExpress, tiến sĩ Trần Ngọc Sinh, Trưởng Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định, người nhóm máu O không thể nhận thận của người mang nhóm máu B. "Trường hợp ẩu tả ghép bừa sẽ dẫn đến việc thải ghép hoặc tai biến có thể gây tử vong", tiến sĩ Sinh nói.
Như vậy, mối nghi ngờ Phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Nguyễn Tấn Tài mang thận của Luân hay cấu kết cùng sinh viên này để mua thận khó xảy ra.
![]() |
Tô CôngLuân ngày càng yếu ớt. Ảnh: Thiên Chương. |
Khi trao đổi với VnExpress, ông Tài xác nhận có nhìn thấy Luân và một nhóm 3-4 người Việt Nam tại Bệnh viện Quân y 458, Quảng Châu Trung Quốc, nơi ông ghép thận.
"Khi báo chí đưa tin, tôi giật mình nhớ đã từng gặp sinh viên này trong thời gian chờ thận tại Bệnh viện quân y 458 thuộc tỉnh Quảng Châu. Chúng tôi không có dịp tiếp xúc nhưng qua hỏi thăm, tôi biết họ là người Việt và tôi cũng nghi nghi họ đi bán thận", ông Tài nói.
Theo ông Tài, lúc ấy Luân rất phong độ, khỏe mạnh, không giống những người đi trị bệnh. Lý do khiến ông Tài nghi nhóm người này bán thận vì thấy họ hay đi chung với nhau nhưng lại không có thân nhân, điều này hoàn toàn khác với người đi chữa bệnh.
"Tôi chỉ nhìn thấy Luân đúng một lần và cũng không hề nói chuyện. Tôi rất ngạc nhiên vì có thông tin cho rằng tôi và Luân đi xét nghiệm chung, thậm chí nằm cạnh nhau. Điều này là hoàn toàn không có. Tôi chỉ đi xét nghiệm chung với một thanh niên khoảng ngoài 20, quê ở Quảng Ninh, anh này dù trẻ nhưng cũng phải thay thận", ông Tài khẳng định.
Ông Tài cho biết, ông bắt đầu điều trị suy thận mạn tính tại Bệnh viện Nhân dân 115 từ tháng 1/2005. Đến tháng 7/2007, thận của ông không lọc chất độc nữa, phương pháp chạy thận không hiệu quả vì ông Tài còn bị chứng suy tim.
Ông Tài quyết định tìm cách thay thận, nhưng do là con một trong gia đình, nên ông Tài không có anh em để cho thận, bèn nhờ bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh, giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 giới thiệu. Theo ông Tài, bác sĩ Khánh là người đã giúp ông có số điện thoại của ông Phong - giám đốc ngoại giao của Bệnh viện Quân y 458, Quảng Châu. Từ đó chỉ một mình ông Tài liên hệ với ông Phong chứ ông Khánh không liên quan.
Khi liên lạc, ông Phong nói chuyện bằng tiếng Việt rất rõ ràng. "Tôi nêu bệnh trạng, nhóm máu thì ông Phong bảo cứ sang ông ấy sẽ sắp xếp, chừng nào có thận hợp thì ghép", ông Tài kể.
Ngày 9/12/2007, ông Tài cùng vợ đi máy bay từ Tân Sơn Nhất sang Quảng Châu. Ông được ông Phong cho xe ra đón và đưa hai vợ chồng về Bệnh viện Quân y 458.
Khi đến bệnh viện, ông Tài được xét nghiệm lại toàn bộ sức khỏe trong thời gian 1 tuần. Ông Phong báo rằng ông Tài bị chứng loét bao tử nên phải điều trị cho dứt mới có thể ghép thận.
Đến ngày 28/12, ông Phong nói với ông Tài có 1-2 quả thận phù hợp. "Họ xét nghiệm ở đâu tôi không biết. Họ cũng chẳng nói cho tôi biết người cho thận là ai, nam hay nữ, bao nhiêu tuổi, người nước nào. Ở Việt Nam tôi nghe đồn rằng thận bên Trung Quốc thường của tử tù nên tôi cũng không thắc mắc làm gì", ông Tài nói.
Trưa 28/12, ông Tài lên bàn mổ, đến 7h sáng hôm sau khi mở mắt, ông đã thấy mình nằm trong phòng hồi sức hậu phẫu. Theo ông Tài, căn phòng này độc lập, ông chỉ nằm tại chỗ nên không gặp được ai ngoài vợ. Đến ngày ngày 29/1, ông và vợ trở về Sài Gòn. Tổng chi phí điều trị và ăn ở là 42.000 USD.
Ông Tài nhận xét, ông Phong là một người khá đĩnh đạc và chu đáo với bệnh nhân. "Như để tôi yên tâm, ông Phong còn khẳng định ngoài bệnh nhân Việt Nam, ông này từng ghép thận cho hơn 60 quốc gia khác nhau trên thế giới. Ông Phong không hề nói cho tôi nghe chuyện bán thận của người Việt Nam tại Trung Quốc, cho đến khi báo chí đề cập vụ Luân bị tai biến, tôi nghĩ có thể họ có đường dây", ông Tài bán tín bán nghi.
Sau hơn 4 tháng ghép thận, hiện sức khỏe ông Tài rất tốt. Còn sinh viên Tô Công Luân dần yếu ớt do cơ thể hấp thu thức ăn kém và khả năng đề kháng yếu. Chiều ngày 5/5, gia đình đã đưa Luân về quê Ninh Thuận, chấp nhận sống thực vật.
Luân là sinh viên năm 2 Trường Trung học Kỹ thuật 4, Gò Vấp, TP HCM. Tháng 12/2007, anh chia tay người yêu qua Trung Quốc, nói là làm thợ điện kiếm tiền. Tháng 2, cô Minh được báo tin Luân gặp nạn. Sang đến nơi, tại Bệnh viện Quân y 458, Quảng Châu, Luân đã nằm liệt.
Công an quận Gò Vấp, TP HCM và công an thành phố Phan Rang đang điều tra để xác định xem có tồn tại "đường dây mua bán thận" hay không.
Thiên Chương