"Nếu không ai tấn công chúng tôi, họ không cần phải lo lắng, vì chúng tôi sẽ không tấn công họ", Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos phát biểu hôm nay, khi đề cập mục đích sử dụng của 4 căn cứ mà nước này vừa cho quân đội Mỹ tiếp cận.
Philippines tuần trước công bố 4 địa điểm cho phép quân đội Mỹ tiếp cận theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA) giữa hai nước, bên cạnh 5 căn cứ Washington được sử dụng từ trước.
Trung Quốc sau đó cáo buộc Mỹ "gây nguy hiểm cho hòa bình, ổn định khu vực" bằng thỏa thuận EDCA. Ông Marcos cho biết "không bất ngờ" trước phản ứng của Trung Quốc và trấn an Bắc Kinh rằng Manila chỉ đang "tăng cường năng lực phòng vệ lãnh thổ". "Chúng tôi sẽ không cho phép các căn cứ của mình được sử dụng trong mọi hành động tấn công", ông nói.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos phát biểu tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 9/2. Ảnh: AFP
4 căn cứ Philippines mới cho phép binh sĩ Mỹ tiếp cận gồm căn cứ hải quân Camilo Osias và sân bay Lal-lo ở tỉnh Cagayan, căn cứ Melchor Dela Cruz ở tỉnh Isabela và một địa điểm ở tỉnh Palawan. Quân đội Mỹ sẽ được phép luân chuyển lực lượng và lưu trữ khí tài, vật tư tại 4 căn cứ này.
Cagayan và Isabela là các tỉnh cực bắc, nằm trên đảo chính Luzon, trong khi Palawan là đảo cực nam án ngữ khu vực tây nam Biển Đông.
Mỹ triển khai lực lượng đồn trú quy mô lớn tại Philippines sau Thế chiến II, trong đó có hai cơ sở tại nước này từng là căn cứ lớn nhất ở nước ngoài của Washington. Tuy nhiên, giới chức Philippines năm 1991 chấm dứt thỏa thuận và yêu cầu Mỹ trả lại toàn bộ căn cứ quân sự.
EDCA được Mỹ và Philippines thông qua năm 2014, dưới thời cựu tổng thống Benigno Aquino. Thỏa thuận bị người kế nhiệm Rodrigo Duterte, ủng hộ quan hệ mật thiết hơn với Trung Quốc, trì hoãn. Ông Marcos, người nhậm chức tháng 6/2022 thay ông Deuterte, đã thay đổi quan điểm đối ngoại của Philippines và triển khai EDCA.

Vị trí đảo Luzon và Palawan của Philippines. Đồ họa: Wikimedia
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)