Tưởng con bị thiếu vitamin C, chị Nga, mẹ bé lại mua vitamin C về cho con uống nhưng không những không thấy đỡ, bé lại còn bị đi ngoài. Sau khi đi khám, các bác sỹ tại bệnh viện tỉnh kết luận bé Hồi bị trúng độc vitamin A do uống quá nhiều.
Chị Nga kể lại: Cách đây gần một năm, bé Hồi có những biểu hiện mắt nhìn kém, đặc biệt là lúc chập choạng tối. Dân gian hay gọi là bệnh quáng gà, tức là không nhìn rõ vào những lúc gà lên chuồng. Đây là một chứng bệnh khô mắt do thiếu vitamin A gây nên.
Được bạn bè mách bảo, chị Nga mua một lọ vitamin A về cho con uống dần (trong khi thông thường với một trẻ bình thường ở lứa tuổi bé Hồi một năm chỉ uống 2 đợt, mỗi đợt 1 viên).
Vẫn chưa yên tâm, chị Nga còn bắt con trai uống thêm cả dầu cá triền miên trong một thời gian dài khiến con trai bị rụng tóc, da chân da tay tróc lở, lười ăn uống, người mệt mỏi, đôi khi kêu đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
Rất may, sau khi đến khám tại bệnh viện, các bác sỹ yêu cầu ngừng uống vitamin A và dầu gan cá, chỉ một tháng sau, bé Hồi đã không còn các hiện tượng trên. Tuy nhiên, bác sỹ điều trị cho biết, bé Hồi phải 6 tháng sau mới khỏi bệnh hoàn toàn.
Tương tự, chị Nguyễn Thuỳ Hương (Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) cũng nghĩ con bị thiếu vitamin D khi thấy con rụng tóc thành vành sau gáy và chậm biết đi, chị liền tự mua canxi về cho con gái uống.
Tuy nhiên, sau một thời gian uống vitamin D, con chị Hương thường xuyên bị đi ngoài, cơ thể mệt mỏi, tiểu tiện nhiều, thi thoảng lại nôn, miệng khô... Vào viện khám, chị Hương mới giật mình khi biết con mình bị trúng độc vitamin D do uống quá nhiều.
Uống thế nào là đủ?
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Trà, Trung tâm Tư vấn của Hội Bảo vệ Bà mẹ và trẻ em Trung ương: với một trẻ thông thường, nếu có chế độ ăn uống tốt, mỗi năm chỉ cần uống bổ sung từ 1 đến 2 đợt vitamin D. Mỗi đợt từ 10-20 ngày.
Nếu 6 tháng uống bổ sung một lần thì chỉ cần uống trong 10 ngày và 24 ngày nếu một năm uống 1 đợt. Ví dụ: nếu trẻ uống canxinol thì chỉ cần 5ml/ngày trong một đợt hoặc 1 ống caxium cobie 5ml/ngày/1 đợt uống bổ sung.
Bác sỹ Trà cũng lưu ý đây là lượng uống dự phòng, nếu trẻ có đủ canxi rồi thì cũng không nguy hiểm. Còn nếu thiếu phải uống lượng nhiều hơn nhưng buộc phải tuân theo chỉ định của bác sỹ vì nếu thừa canxi, ngoài hậu quả trúng độc như trên còn xảy ra biến chứng giòn xương. Nhưng không ít bà mẹ do thiếu hiểu biết, quá tin vào các "chiêu" quảng cáo mà cố tình cho trẻ dùng nhiều loại vitamin.
Về việc uống bổ sung vitamin A, Ủy ban tư vấn quốc tế về vitamin A cho rằng, suy dinh dưỡng ở trẻ liên quan đến việc thiếu hụt vitamin A. Vì vậy, ở nơi nào còn suy dinh dưỡng thì vẫn cần duy trì cho trẻ uống vitamin A liều cao.
Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo: ở thành phố vẫn nên cho trẻ dưới 36 tháng tuổi uống vitamin A liều cao theo chiến dịch (mỗi năm 2 đợt). Đây chỉ là liều bổ sung chứ chưa thể đảm bảo đủ hoàn toàn lượng vitamin A cho cơ thể.
Với những trẻ suy dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng khuyến cáo không nên uống vitamin hàng ngày (trừ khi có chỉ định của bác sỹ). Vì trẻ suy dinh dưỡng thường thiếu nhiều vi chất dinh dưỡng chứ không phải chỉ do thiếu vitamin.
Cách nhận biết cơ thể thiếu vitamin
Cuốn "Bách khoa những điều kiêng kị trong cuộc sống" của NXB Từ điển -Bách khoa cho rằng, mỗi người đều có thể biết được cơ thể mình thiếu vitamin gì bằng cách sau:
Nếu cảm thấy sợ ánh sáng, mỏi mắt, dễ mắc bệnh viêm kết mạc; sức đề kháng cảm cúm kém, rụng tóc thì có thể cơ thể đang bị thiếu vitamin A.
Nếu thiếu vitamin C sẽ khiến cơ thể dễ chảy máu cam, dễ cảm, miệng và lưỡi khô, chảy máu răng, khả năng thích nghi với nhiệt độ môi trường thay đổi kém.
Và nếu thiếu vitamin D, trẻ sẽ có biểu hiện như ra nhiều mồ hôi, ngủ không sâu, sợ hãi nhút nhát về đêm, phát triển chậm, rụng tóc thành vành sau đầu...
Mặc dù vitamin là những chất dinh dưỡng rất cần thiết cho cơ thể, nếu thiếu sẽ gây ra những tình trạng bệnh lý. Nhưng nếu quá lạm dụng vitamin lại sẽ gây nguy hại cho cơ thể.
(Theo Giadinh.net)