Sinh vật được đặt tên là Ophiojura exbodi có 8 cánh tay hay phần phụ, mỗi phần dài 10 cm và phủ đầy gai, móc. Tuy nhiên, điều đó vẫn còn chưa đáng sợ bằng chiếc miệng kỳ quái với 8 bộ hàm chứa những chiếc răng sắc nhọn như kim.
Trong báo cáo trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B vào tuần này, các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Victoria ở Australia, do Giám đốc cấp cao về động vật không xương sống Tim O'Hara dẫn đầu, nhấn mạnh rằng Ophiojura exbodi không chỉ là một loài mới, mà còn đại diện cho một chi và họ mới trong lớp Sao biển đuôi rắn (Ophiuroidea) thuộc ngành Động vật da gai (Echinodermata).
Phân tích ADN cho thấy Ophiojura đã tách khỏi họ hàng sao biển đuôi rắn gần nhất kể từ đầu kỷ Jura và dường như không thay đổi trong suốt 180 triệu năm, khiến nó được ví như "hóa thạch sống".
"Ophiojura exbodi là một loài động vật vô cùng độc đáo và chưa từng được mô tả trước đây. Nó là đại diện cuối cùng thuộc một dòng dõi cổ đại, tương tự như Bộ Cá vây tay (Coelacanthiformes) và chi bò sát giống thằn lằn Tuatara (Sphenodon)", O'Hara cho hay.
Mẫu vật chết duy nhất của Ophiojura exbodi được tìm thấy ở độ sâu khoảng 500 m tại bề mặt của ngọn núi lửa ngầm Banc Durand ở Nam Thái Bình Dương, cách New Caledonia hơn 120 km về phía đông.
"Hầu hết sao biển đuôi rắn thường có 5 cánh tay. Một số ít có 6 hoặc 10. Con số 8 ở Ophiojura exbodi là rất đặc biệt", O'Hara viết trong báo cáo.
Với chỉ một mẫu vật chết được tìm thấy, nhóm nghiên cứu vẫn còn nhiều câu hỏi chưa thể giải đáp, bao gồm hành vi của chúng khi còn sống. Họ phỏng đoán rằng Ophiojura exbodi sử dụng 8 cánh tay tỏa ra của nó để khéo léo trườn dưới đáy biển. Ngoài ra, nó cũng có thể đóng vai trò như một công cụ để bắt và hỗ trợ xé xác con mồi.
O'Hara cùng các cộng sự có kế hoạch khởi động một chuyến thám hiểm khác vào tháng 7 để khám phá những ngọn núi ngầm ở Ấn Độ Dương với hy vọng tìm kiếm thêm các mẫu vật Ophiojura exbodi. "Tuy nhiên, phát hiện ở Banc Durand có thể đã là lần cuối cùng chúng ta tìm thấy loài vật này", O'Hara nói thêm.
Đoàn Dương (Theo Science Alert/Museum Victoria)