Theo Vụ trưởng Đỗ Quốc Anh, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại phía Nam, kết thúc ngày thi thứ nhất, TP HCM vẫn có nhiều cán bộ và thí sinh vi phạm, trong đó có hai vụ việc nghiêm trọng là đột nhập phòng thi và thi hộ.
Trong giờ thi Toán, tại ĐH Tôn Đức Thắng TP HCM có một thanh niên từ bên ngoài mang điện thoại di động cùng tài liệu đột nhập vào nhà vệ sinh trong khu vực trường. Ngay sau đó, lực lượng bảo vệ hội đồng này phát hiện và lập biên bản tạm giữ, giao Công an Quận Bình Thạnh xử lý.
Cũng buổi thi Toán sáng nay, tại điểm thi của ĐH Nông Lâm TP HCM đặt tại THCS Lê Quý Đôn (quận Thủ Đức), lực lượng giám thị đã nghi ngờ thí sinh mang tên Đỗ Văn Nguyên, số báo danh A11579, quê Thanh Hóa vì người thi và ảnh trong chứng minh thư nhân dân hơi khác biệt. Dù đã bị lập biên bản và cam kết mình đúng là người trong ảnh nhưng thí sinh này vẫn bị liệt vào diện nghi vấn và theo dõi đặc biệt.
Tới buổi thi Lý chiều 4/7, giám thị phát hiện ra thí sinh dự thi mang tên Đỗ Văn Nguyên khác người thi lúc sáng, hội đồng thi THCS Lê Quý Đôn đã lập biên bản và giao thí sinh này cho Công an quận Thủ Đức để khai thác, làm rõ hành vi thi hộ.
Sau giờ thi, một thí sinh tại điểm thi ĐH Luật Hà Nội đặt tại THPT Hà Nội - Amsterdam gọi điện thoại thông báo kết quả cho người thân. Ảnh minh họa: Tiến Dũng. |
Cũng theo Vụ trưởng Đỗ Quốc Anh, ngoài hai vụ việc nghiêm trọng trên, tại thành phố còn tồn tại một số vi phạm khác như đình chỉ 2 cán bộ coi thi bị do mang điện thoại di động vào phòng thi và 2 cán bộ khác bị cảnh cáo do mang máy tính xách tay vào văn phòng Hội đồng thi tại ĐH Dân lập Kỹ thuật - Công nghệ.
Hai cán bộ coi thi tại THTP Gia Định, điểm thi của Học viện Bưu chính viễn thông tại TP HCM ký giấy trước khi thí sinh điền thông tin. Còn lực lượng công an làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài tại nhiều hội đồng vẫn mang điện thoại di động vào khu vực thi.
Theo Trưởng phòng Quản lý HSSV, ĐH Kinh tế Quốc dân Nguyễn Chí Tuệ, sáng 4/7, có hai trường hợp đình chỉ vì sử dụng điện thoại di động. Một trường hợp xảy ra ở Hội đồng thi Tiểu học Phú Hiệp và trường hợp khác ở THPT Trần Nhân Tông.
Đề thi Vật lý bám sát chương trình phổ thông, không câu hỏi nào ở mức độ quá khó, đạt yêu cầu phân loại học sinh. Các em khá giỏi có thể đạt điểm 9-10. Tuy nhiên, câu 25 (mã đề 761) có thuật ngữ gây khó hiểu cho học sinh. Đó là nhận xét của thầy Nguyễn Đức Hiệp, giáo viên THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa TP HCM về đề thi tuyển sinh đại học môn Vật lý khối A, V, chiều 4/7.
15h20, gần nửa tiếng trước khi kết thúc buổi thi, cổng ĐH Luật Hà Nội đông nghịt người nhà thí sinh. Nhiều người còn ngồi cả lên thảm cỏ giữa đường Nguyễn Chí Thanh để trú nắng và chờ con. Để giết thời gian, có người trò chuyện với sinh viên tình nguyện xem ngành học nào tốt và dễ xin việc nhất, có người tranh thủ mua đáp án môn Toán để lát cho con đối chiếu.
Thí sinh so sánh đáp án môn Toán. Ảnh: Tiến Dũng. |
Khi nghe tiếng chuông hết giờ tại ĐH Luật, tất cả phụ huynh đều hướng về phía sân trường. Thí sinh Nguyễn Thu Thảo (Hà Giang) vừa ra khỏi cổng trường đã nghe tiếng gọi giật lại của bố. Cô cười tươi khoe: "Đề nhiều câu lý thuyết khá khó nhưng con làm được hết chắc đúng khoảng 90%".
Ngược lại, Thanh Thúy (Kon Tum) bi quan: "Đề khoảng 30 câu lý thuyết, 20 câu bài tập. Lý thuyết khó nhất phần điện làm nhiều bạn trong phòng em hoang mang. Có nhiều câu em tích bừa nên không biết đúng sai thế nào”. Vừa nói cô vừa so đáp án với cậu bạn ngồi cạnh. Mỗi khi thấy đáp án trùng nhau, Thúy lại hét lên sung sướng.
Trong khi đó, các thí sinh thi hai khối lại có tâm lý thoải mái hơn. Thí sinh Tô Thành (Nam Định) cho rằng, cậu thi cả khối B nên cũng không lo lắng lắm. "Đằng nào cũng thi xong rồi, lo lắng cũng không giải quyết được gì. Em sẽ đi ngủ sớm để chuẩn bị tinh thần cho sáng mai", Thành cười.
13h30 tại TP HCM, nhiều học sinh bước vào kỳ thi môn Vật lý với tâm trạng khá căng thẳng vì nung nấu ý chí "phục thù cho bài làm môn Toán buổi sáng". Còn gương mặt các phụ huynh cũng bắt đầu vẻ mệt mỏi, uể oải sau buổi sáng vật vờ chờ con thi môn Toán.
15h30, Nguyễn Thị Thanh là thí sinh đầu tiên bước ra khỏi cổng THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Cô nữ sinh đến từ THPT Châu Thành B, tỉnh Bến Tre cho biết, làm hết 100% đề thi môn Lý, nhưng đây là môn thi trắc nghiệm nên cũng "chưa biết hên xui" thế nào. "Theo em, đề thi Lý năm nay khó hơn năm ngoái, nhưng xét về mức độ thì không khó bằng môn Toán", Thanh nói.
Tại Hội đồng THPT Marie Curie (điểm thi của ĐH Mở), 15 phút sau khi kết thúc giờ thi, các thí sinh mới bắt đầu ùa ra khỏi cổng trường. Thí sinh Nguyễn Vy Hạnh chào mẹ với gương mặt ỉu xìu vì chỉ làm được 50%. "Đành phải dốc hết sức vào môn Hóa ngày mai", Hạnh nói.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, ngày thi đầu tiên, tỷ lệ thí sinh dự thi đạt gần 68%. Cả nước có 79 thí sinh bị kỷ luật, trong đó 18 em bị khiển trách, 9 em bị cảnh cáo, 51 em bị đình chỉ, và 1 trường hợp thi hộ tại TP HCM. Năm 2007, ngày thi đầu tiên có 65 thí sinh sinh vi phạm kỷ luật. Số cán bộ coi thi bị kỷ luật là 20. Trong đó, khiển trách 15 trường hợp vì ký trước vào giấy thi, giấy nháp của thí sinh khi các em chưa điền thông tin đầy đủ, làm việc riêng trong lúc coi thi. 5 người bị định chỉ vì mang điện thoại di động và máy tính vào khu vực thi. |
Nhóm phóng viên