Hang Son thuộc dãy núi đá vôi phía trước hai ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.
Anh Cao Tấn, một cán bộ Phòng Di sản cho biết, đoàn đã thấy lớp trầm tích trong lòng hang có màu đỏ, xuất lộ xương động vật cùng vỏ nhuyễn thể nước ngọt như ốc núi, ốc suối. Đây là sự tích tụ trầm tích gồm những gì con người thời tiền sử đến đây sinh sống để lại, thuộc thời hậu kỳ Pleitocene cách ngày nay trên 10.000 năm.
Trong lòng hang còn xuất lộ rất nhiều vỏ nhuyễn thể biển như ngao dầu, ốc bù giác, hàu biển... Đây là loài nhuyễn thể biển xuất lộ trên địa bàn này khá phổ biến trong giai đoạn biển tiến Holocene, cách ngày nay từ 5.000 đến 7.000 năm. Như vậy, tại hang Son có thể có sự cư trú của con người thời tiền sử ở cả hai giai đoạn có môi trường khá khác biệt nhau. Giai đoạn đầu là môi trường sống quanh những thung lũng đá vôi, sông suối nước ngọt; giai đoạn sau là môi trường vịnh biển, do đợt biển tiến Holocene tạo ra.
(Theo TTXVN)