Tổ chức gan. |
Bằng cách khống chế bộ máy tự hủy trong tế bào, protein gankyrin đã cho phép tế bào gan bệnh tiếp tục sống, tăng sinh vô kiểm soát và trở thành ung thư.
Các nhà khoa học Nhật Bản và Anh lần đầu tiên phát hiện ra sự có mặt của protein gankyrin trong bệnh ung thư gan cách đây 5 năm. Chính nó đã kích thích sự tổng hợp ADN, giúp tế bào tăng sinh không kiểm soát và trở thành ung thư. Tuy nhiên, "quyền lực" của gankyrin không chỉ dừng lại ở đó. Trong tạp chí Cancer Cell mới đây, người ta lại phát hiện ra protein này gây ung thư theo một cách khác nữa. Nó gắn một cái nhãn "hủy diệt" lên bộ máy làm nhiệm vụ quyết định chuyện sống chết của tế bào, khiến cho bộ máy này không thể tiêu diệt tế bào bệnh.
Giáo sư John Mayer, Đại học Nottingham giải thích kế hoạch gây ung thư của gankyrin như sau:
Thông thường khi một tế bào bị nhiễm virus, protein p53 - còn gọi là "vệ sĩ của bộ gene" - sẽ phát đi một hiệu lệnh để tế bào này tự tử. Tuy nhiên, trong bệnh ung thư gan, quá trình này bị rối loạn với sự xuất hiện của protein gankyrin. Nó xui khiến một enzyme tên là mdm2 gắn cho p53 cái nhãn "Phải chết". Với cái mác tử thần này, p53 sẽ nhanh chóng được chuyển tới "sọt rác" của tế bào, nơi nó sẽ bị tiêu hủy. Trong khi đó, những tế bào bệnh sẽ tự do "lộng hành", tiếp tục phân chia một các vô kiểm soát trong gan và phát triển thành ung thư.
"Thật ngạc nhiên là gankyrin gây rối loạn cả hai cơ chế kiểm soát ung thư quan trọng của tế bào", Mayer nhận định. Mặc dù một nửa số ung thư trong cơ thể liên quan đến lỗi p53, song gankyrin chỉ xuất hiện ở ung thư gan do đặc thù của tổ chức này.
Hiên nay, Mayer và giáo sư Jun Fujita từ Đại học Kyoto (Nhật Bản) cùng tìm hiểu cấu trúc của gankyrin với hy vọng tìm ra cách phát triển dược liệu chống ung thư gan - căn bệnh đang đe dọa tính mạng của gần 250 triệu người trên thế giới. Các thuốc trị ung thư gan hiện nay rất hiếm và không có liêu pháp nào chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
Mỹ Linh (theo BBC)