Tối 16/5, hơn 1.000 tăng ni, phật tử thắp nến cầu nguyện hòa bình. Ảnh: H.K. |
Trong tuyên bố Hà Nội, giáo sư, tiến sĩ Lê Mạnh Thát, Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế đại lễ Phật đản Liên hợp quốc đã khẳng định, cộng đồng quốc tế cần tăng cường nỗ lực cho một thế giới hòa bình bền vững, bằng cách đề cao đối thoại, tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau nhằm bảo hộ phẩm giá con người dưới ánh sáng của từ bi và tuệ giác Phật giáo.
Các đại biểu thống nhất cần thúc đẩy giải trừ quân bị, ngăn ngừa chiến tranh xung đột, đặc biệt là là cấm thử vũ khí hạt nhân, cấm chế tạo vũ khí hóa học, sinh học cũng như ngăn chặn ô nhiễm đại dương và nước ngọt. Phật giáo kêu gọi tập trung giải quyết các vấn nạn xã hội, nhất là đói nghèo, thất nghiệp và bất công xã hội.
Tuyên bố cũng thể hiện mong muốn các quốc gia cung cấp nguồn tài liệu trên Internet, giúp mọi người dễ dàng sử dụng phương tiện hiện đại này nhằm thu hẹp khoảng cách giữa khu vực phát triển và kém phát triển.
Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã chúc mừng thành công của đại lễ và khẳng định đây thực sự là ngày hội văn hóa tinh thần đoàn kết dân tộc và quốc tế, nêu cao thông điệp hòa bình và yêu thương trên nền tảng tư tưởng của đức Phật, bậc minh triết được nhân loại suy tôn và ngưỡng mộ.
"Hy vọng sau mỗi lần tổ chức đại lễ, tinh thần đoàn kết, gắn bó của nhân loại càng thêm bền chặt, hành động ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn vì hòa bình, hợp tác và tiến bộ xã hội", Phó thủ tướng nói. Ông khẳng định VN sẽ phấn đấu để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng một đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Trước khi rời VN, các đại biểu sẽ đi thăm một số di tích văn hóa tôn giáo, như chùa Bái Đính (Ninh Bình), Yên Tử (Quảng Ninh).
Hồng Khánh