Nó có thể sẽ gây ra bạo loạn ở quốc gia vốn đã bất ổn đồng thời trút thêm gánh nặng cho Tổng thống Pervez Musharraf trong thời điểm ông nỗ lực tìm cách duy trì trật tự và tiếp tục nắm quyền lực. Vụ ám sát cũng dập tắt hy vọng của phương Tây rằng người phụ nữ đầy sức quyến rũ, hai lần làm thủ tướng sẽ hợp sức với Musharraf trong cuộc chiến chống Taliban và al-Qaeda sau cuộc tổng tuyển cử. Tương lai của cuộc bầu cử này cũng chưa rõ ràng.
![]() |
Bà Bhutto tới nơi vận động tranh cử ở Rawalpindi hôm qua. Ảnh: AP. |
"Vụ ám sát này là một bước thụt lùi nghiêm trọng nhất về dân chủ ở Pakistan", Raul Baksh Rais - một nhà khoa học chính trị tại trường đại học ở Lahore - nhận định. "Nó cho thấy những phần tử cực đoan có đủ sức mạnh để gây gián đoạn tiến trình dân chủ. Mối quan ngại lớn nhất của ông Musharraf hiện nay là duy trì luật pháp và trật tự đồng thời đảm bảo đây sẽ không biến thành một phong trào lớn chống lại ông".
Bhutto bị sát hại tối qua khi kẻ tấn công bắn vào cổ và ngực bà rồi tự sát bằng bom, khi bà vừa rời khỏi cuộc vận động tranh cử ở Rawalpindi - thành phố gần các trụ sở quân đội của Pakistan. Đây là vụ đánh bom tự sát thứ hai nhằm vào Bhutto kể từ khi bà trở về nước hồi tháng 10, sau 8 năm sống lưu vong.
Nawaz Sharif - một thủ lĩnh phe đối lập khác và là thủ tướng bị lật đổ năm 1999 - ngay lập tức tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử nghị viện vào tháng giêng. Talat Masood - tướng về hưu, nay là nhà phân tích chính trị - dự đoán đảng của bà Bhutto cũng có động thái tương tự. Và như thế cuộc bỏ phiếu hôm 8/1 sẽ mất đi tính hợp hiến.
Bhutto trước đó từng buộc tội một vài người trong đảng cầm quyền đứng đằng sau các chiến binh định ám sát bà. Lời tố cáo này hiện nay trở nên có sức thuyết phục hơn mặc cho chính phủ luôn bác bỏ.
Cho dù điều gì xảy ra, chính phủ của ông Musharraf dường như mất quyền kiểm soát ở Pakistan. "Tình hình trong nước đã trở nên quá nguy hiểm đối với các đảng phái chính trị", Masood nhận định.
Ông cho rằng Musharraf có thể sẽ ra một quyết định lớn. "Có khả năng, họ sẽ lại tuyên bố tình trạng khẩn cấp", ông nói.
Tuy nhiên, Musharraf - người từng bị Al-Qaeda tấn công hai lần ở Rawalpindi vào tháng 12/2003 - không hề tỏ ra nao núng. Ông tuyên bố ba ngày quốc tang và thề sẽ chống lại những kẻ khủng bố đứng sau vụ ám sát bà. Chỉ vài tháng trước đó, ông từng mở các cuộc đàm phán trực tiếp với Bhutto và dọn đường cho bà về nước.
Anthony Cordesman, thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington, cảnh báo về nguy cơ nội chiến ở Pakistan nếu ông Musharraf bị nghi ngờ dù chỉ một chút về vai trò trong vụ sát hại Bhutto hoặc biết trước kế hoạch ám sát mà không ngăn chặn nó. Tuy nhiên, ngay cả khi một tổ chức khủng bố lên tiếng xác nhận tiến hành vụ đánh bom, người Pakistan vẫn có thể cho rằng chính phủ ông Musharraf ít nhất liên quan một cách gián tiếp tới vụ việc.
Sharif - đối thủ lâu năm của Bhutto - tỏ ra quyết liệt sau vụ ám sát Bhutto, trong khi người ủng hộ bà tàn phá các thành phố của Pakistan. "Chúng tôi sẽ trả thù những kẻ cầm quyền", Sharif, mắt đẫm nước, tuyên bố sau khi tới bệnh viện Rawalpindi, nơi bà Bhutto được đưa tới sau vụ đánh bom.
Các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Anh, từng hy vọng Bhutto và Musharraf sẽ đoàn kết để chống lại mối nguy về an ninh do chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan gây ra. "Trong một xã hội ngày càng khó chấp nhận, Bhutto, một chính trị gia trung dung, được cộng đồng quốc tế coi là nhân tố có thể tạo ra được sự khác biệt. Nếu bà trở thành lãnh đạo, bà có thể xoay chuyển phong trào chống chủ nghĩa cực đoan trong nước này", Zaffar Abbas - biên tập viên báo Dawn danh tiếng của Pakistan - nói.
Trong khi đó, Cordesman nhấn mạnh rằng những rối loạn ở Pakistan vì vụ ám sát ít có khả năng gây nguy hiểm tới kho vũ khí hạt nhân của họ. Chính phủ nước này bác bỏ những đồn đoán rằng chiến binh có thể tấn công hoặc xâm nhập vào những cơ sở hạt nhân bí mật.
"Vũ khí không được giữ tại những nơi có thể xảy ra bạo động hoặc biểu tình. Không có lý do gì quân đội Pakistan bị bất ổn", Cordesman nói.
Hải Ninh (theo AP)