Hà Linh
Hội thảo diễn ra hôm 18/12 tại Đại học Bilgi, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ với sự tham gia của những học giả, nhà văn, nhà phê bình đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đối thoại với Pamuk là David Damrosch, giáo sư môn văn học so sánh tại Đại học Columbia, Mỹ.
Khi được hỏi về vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như nền văn học nước này đối với châu Âu, Pamuk cho biết: "Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một phần của châu Âu. Tôi luôn nhắc đi nhắc lại điều đó và sẽ còn tiếp tục nói như vậy. Thổ Nhĩ Kỳ là sự bắt chước phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ bị châu Âu xâm lược và bởi không bị châu Âu xâm hại trong thời thực dân nên bây giờ, chúng tôi dễ dàng hơn trong việc ngợi ca châu Âu. Bản thân tổng thống Atatürk cũng là người cổ xúy văn minh phương Tây", ông nói.
Nhà văn Orhan Pamuk. Ảnh: Guardian. |
Trước câu hỏi của Damrosch về cảm giác của một nhà văn sinh ra ở một đất nước sống bên rìa, Pamuk kể, ông thường xuyên được so sánh với James Joyce, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Ireland - người cũng viết từ rìa tây của châu Âu. "Mọi người thường nói, những gì tôi làm cho Istanbul cũng giống như những gì James Joyce đã làm cho Dublin. Tôi nghĩ điều này đúng theo nghĩa, tôi cũng viết về một thành phố rất nhiều người biết và quan tâm".
Nhà văn thừa nhận, những cây bút sống bên lề luôn bị cám dỗ bởi cảm giác muốn bắt chước châu Âu. Dù điều đó không hẳn là đã tốt.
Damrosch còn hỏi Pamuk, phải chăng, vì chủ trương viết cho nhiều đối tượng khác nhau mà Pamuk có được lượng độc giả đông đảo, khắp nơi trên thế giới? Pamuk đã không nhịn được cười. "Câu hỏi này tôi thường xuyên nhận được. Hồi thập niên 70 - 80, người ta đã hỏi: Ông viết cho ai? Đó là một cái bẫy. Trong môi trường cánh tả, tôi thường trả lời: ‘Tôi viết cho những người vô sản, những tầng lớp dưới của xã hội, tôn vinh họ và viết vì đất nước mình’. Thế là họ sẽ cười và hỏi lại: ‘Ha ha, thế ông nghĩ những người đó sẽ đọc sách của ông à?’. Trong một vài trường hợp khác, câu hỏi như thế này dường như mang tính buộc tội, với ý nghĩa: "Liệu ông có che mắt người đọc phương Tây bằng các tô hồng thực tại đất nước thay vì tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh của dân tộc".
Trở về với chủ đề "World Literature in Between" (Giao thoa văn học thế giới), Pamuk cho biết, ông không rành lắm về khái niệm này. Khi đọc một cuốn sách của Jorge Luis Borges, tôi không hề tự nói với mình rằng: "Ồ, mình đang đọc truyện của một nhà văn người Argentina. Tôi đọc chỉ vì tôi thích đọc. Quá trình viết cũng vậy. Khi đặt bút viết, chúng tôi không nghĩ: ‘Mình cần phải viết cuốn tiểu thuyết cho nền văn học thế giới’. Nhưng sự giao thoa văn học thế giới diễn ra dần dần trong quá trình chúng tôi viết và đọc của nhau. Đó là thực tế, lý thuyết là cái đến sau", nhà văn khẳng định.
Văn học thường được coi là hình thức giao tiếp của nhà văn đối với thế giới. Khi bàn về vấn đề này, Pamuk bày tỏ: "Câu hỏi này cũng liên quan đến một thực tế là tiểu thuyết, với tư cách là một loại hình văn học, là công cụ thể hiện gương mặt riêng của từng dân tộc. Nhà văn luôn được hy vọng sẽ viết về dân tộc họ". Nhưng Pamuk khẳng định, tác phẩm của ông không gói gọn trong tính dân tộc.
(Nguồn: Todayszaman)