-
13h30
Sự kiện thường niên lớn nhất năm của FPT
FPT Techday 2022 có chủ đề "Song hành", kéo dài xuyên suốt trong ngày 15/12 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC). Phiên sáng khai mạc vào 8h, thu hút hàng nghìn lượt người quan tâm và tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Khách tham gia check-in để vào sự kiện. Ảnh: FPT
Cùng với không gian triển lãm khác biệt, sự kiện quy tụ nhiều chia sẻ và phiên thảo luận từ nhà lãnh đạo cấp cao, chuyên gia hàng đầu đến từ các công ty đầu ngành như FPT, Dược phẩm Boston Việt Nam, Bóng đèn phích nước Rạng Đông, TPBank, Unilever Việt Nam, Forrester, Schaeffler, IHH Healthcare Berhad, Royale International Group... FPT Techday 2022 không chỉ định hình bức tranh tương lai kỷ nguyên số mà còn đúc rút những bài học, kinh nghiệm giúp doanh nghiệp đưa công nghệ thành lợi thế kinh doanh.
Sự kiện trưng bày các dịch vụ, sản phẩm, giải pháp nổi bật trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, giáo dục, doanh nghiệp số, xã hội số, kinh tế số, chính phủ số. Thông qua hệ sinh thái này, khách tham dự được trực tiếp trải nghiệm cách công nghệ song hành trong mọi giai đoạn của cuộc đời con người, từ thủa ấu thơ đến khi lập thân, lập nghiệp và hòa mình trong một xã hội số, tương lai số năng động, sáng tạo.
Khu trải nghiệm 3D mapping. Ảnh: FPT
Đây cũng là lần đầu tiên, FPT ứng dụng nghệ thuật của âm thanh, ánh sáng để thiết kế hành trình trải nghiệm hệ sinh thái toàn diện các dịch vụ, sản phẩm, giải pháp sáng tạo của FPT và các công ty thành viên, công ty liên kết dành cho cả hai nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, tổ chức.
-
14h00
Techday 2022 phiên chiều thu hút hàng nghìn tín đồ công nghệ
Sự kiện tiếp tục mở cửa triển lãm từ 14h, thu hút hàng nghìn người tham gia. Không gian triển lãm rộng 9.000 m2 chia thành 6 khu vực: Trở về tuổi thơ; Lập nghiệp; Gia đình hạnh phúc; Công sở năng động; Xã hội số; Tương lai số. Ở mỗi khu vực, FPT trưng bày hệ sinh thái các giải pháp nổi bật, tái hiện cách công nghệ sóng đôi, đồng hành trong mọi giai đoạn của cuộc đời con người.
Điểm nổi bật của không gian triển lãm là hình thức trải nghiệm đa giác quan, sống động. Tín đồ công nghệ có thể trực tiếp tìm hiểu cách robot vận hành trong chuỗi logistic, bước vào thế giới ảo metaverse, giải pháp nhà thông minh, cách AI chăm sóc khách hàng... Triển lãm ứng dụng các công nghệ ánh sáng, âm thanh, hình ảnh hiện đại nhất tạo ra không gian tương tác ba chiều. Nhờ vậy bước vào mỗi gian hàng, khách tham dự sẽ được hòa mình vào một cuộc sống số, xã hội số, tương lai số tiện ích, năng động và sáng tạo.
Triển lãm cũng là hoạt động thu hút đông đảo khách tham quan trong phiên sáng. Ngoài tìm hiểu thông tin, trải nghiệm sản phẩm, thiết kế độc đáo của các gian hàng cũng thu hút khách tham quan chụp ảnh, check-in.
Phiên sáng còn thu hút đông đảo lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp, chuyên gia công nghệ tham gia hội thảo với chủ đề "Song hành kiến tạo tương lai số". Hội thảo có sự tham gia của ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT; ông Dane Anderson - Phó chủ tịch cấp cao, Nghiên cứu Thị trường và Dịch vụ quốc tế, hãng nghiên cứu thị trường Forrester; ông Chu Quang Huy - Giám đốc Nhân sự Tập đoàn FPT; ông Trần Đăng Hòa - Chủ tịch FPT Information System (công ty thành viên của Tập đoàn FPT); ông Frank Bignone - Giám đốc chuyển đổi số toàn cầu, FPT Software.
Hội thảo thu hút hàng trăm người tham gia. Ảnh: FPT
Các diễn giả đã cùng định hình bức tranh tương lai với sự trợ lực của công nghệ, đồng thời tư vấn, kiến tạo những nhân tố thúc đẩy tăng tốc quá trình chuyển đổi số, phát triển các giải pháp công nghệ vượt trội, nguồn nhân lực số. Những chia sẻ này như một cuốn cẩm nang giúp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia công nghệ tham dự sự kiện xây dựng chiến lược phát triển công nghệ - kinh doanh trong trung và dài hạn.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho biết, diễn đàn hôm nay là điểm bắt đầu của tương lai số Việt Nam: một dân tộc kỳ lân. Lời phát biểu này tạo nguồn cảm hứng lớn, khiến hàng nghìn khán giả đồng loạt vỗ tay.
Cũng trong khuôn khổ FPT Techday 2022, Hệ thống trường phổ thông FPT (FSchools) trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Education) và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPPG đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Theo đó, FSchools đưa chương trình AI và Robotics của UBTech vào phân phối độc quyền tại thị trường Việt Nam để trở thành một phần trong chương trình Trải nghiệm thế giới thông minh của FSchools. Lễ ký kết này khép lại chuỗi hoạt động của phiên sáng Techday 2022.
Chủ tịch Trương Gia Bình phát biểu tại phiên sáng. Ảnh: FPT
-
14h30
Ông Trương Gia Bình dẫn dắt đoàn tham quan hệ sinh thái FPT
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cùng các lãnh đạo tham quan 6 khu vực triển lãm - nơi tái hiện cách công nghệ đang sóng đôi, đồng hành trong mọi giai đoạn của cuộc đời con người: thời ấu thơ đến khi lập nghiệp và hòa mình trong một xã hội số.
Chủ tịch Trương Gia Bình tham quan các gian hàng tại sự kiện. Ảnh: Quỳnh Trần
Ông Trương Gia Bình cùng các khách mời tham quan, trải nghiệm một số sản phẩm, giải pháp trưng bày tại FPT TechDay 2022 như FTP Smart Home, FPT Play, Bộ giải pháp văn phòng không giấy FIS; Base... Tại gian triển lãm của FPT Next Robotics, sau khi nghe đại diện doanh nghiệp trình bày, ông Bình đưa ra ba điểm mạnh, mục tiêu trọng yếu để phát triển.
Đầu tiên, ông Bình nói bài toán lớn nhất của ôtô điện là sạc điện. Thứ hai là hệ thống chỉ huy các xe tự lấy, tự hành. Điểm quan trọng tiếp theo, cần cơ chế để hệ thống vận hành chính xác.
"Có 3 yếu tố này thì FPT sẽ vươn lên trong lĩnh vực công nghệ xe điện", ông Bình nhắn nhủ đến đội ngũ FPT Next Robotics.
Sự kiện thu hút đông đảo người tham dự. Ảnh: Quỳnh Trần
Tham gia FPT Techday 2022, ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc FPT cho biết tập đoàn đã tổ chức sự kiện này thường niên trong 10 năm và đây là năm đặc biệt nhất. FPT mang đến đa dạng sản phẩm, giải pháp nhất là những giải pháp theo các xu hướng công nghệ mới.
Tại triển lãm tập đoàn đã giới thiệu con chip do chính các kỹ sư người Việt thiết kế, hay giải pháp công nghệ thực tế ảo giúp các doanh nghiệp biến mô hình kinh doanh truyền thống hiện đại hơn để tăng trưởng tốt hơn. Trong hai năm qua, kinh tế xã hội gặp rất nhiều khó khăn và khi đấy lĩnh vực công nghệ xuất hiện giống như một ngọn đuốc sáng, thắp sáng niềm tin về sự hồi phục phát triển của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc FPT (trái). Ảnh: Quỳnh Trần
"Càng ngày chúng ta càng nhận thấy công nghệ đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của nền kinh tế xã hội. Thiếu đi công nghệ có lẽ chúng ta sẽ thiếu đi chất kích thích phát triển các thành phần kinh tế của xã hội", ông Khoa nói.
-
14h45
Ông Trương Gia Bình nói về công nghệ vị nhân sinh
Hội thảo bắt đầu bằng một đoạn video với hình ảnh ông Trương Gia Bình, mang avatar (ảnh đại diện) Ironman trong thế giới ảo metaverse. Xuất hiện trên sâu khấu, vị chủ tịch diễn giải ý nghĩa của chương trình. Ông nói, "Song hành" nghĩa là chúng tôi muốn đi cùng các bạn.
"FPT có được thành công như hôm nay nhờ song hành cùng các bạn 34 năm vừa qua và sắp bước năm 35. Chúng tôi sẽ song hành với các bạn cho đến tương lai", ông nói.
Chủ tịch Trương Gia Bình phát biểu mở màn chương trình. Ảnh: Quỳnh Trần
Chủ tịch FPT phân tích sự khác biệt của bối cảnh công nghệ ngày nay. Theo ông, nếu 34 năm trước chúng ta muốn người dùng hùng mạnh, quyền lực hơn nhờ sức mạnh máy tính, để người có sức mạnh của máy. Thì bây giờ, sang năm thứ 35, FPT muốn làm mọi thứ xung quanh chúng ta giống như chúng ta.
Ông mô tả: "Trước chúng ta muốn người giống máy, nay làm máy giống người, hãy vỗ tay cho tương lai như vậy". Cả khán phòng vỗ tay trước lời kêu gọi của vị lãnh đạo FPT.
Chủ tịch FPT tiếp tục nói về những thời kỳ căng thẳng nhất, Covid-19, ban lãnh đạo tập đoàn đã ngồi xuống và nghĩ cùng nhau: làm gì đấy nhỉ? Cũng trong giai đoạn đó, ông cảm giác hiểu hơn về giá trị cuộc sống, những việc mình làm không hẳn cần thiết trong quá khứ. Và ông rút ra được kết luận: công nghệ phải phục vụ nhân sinh, phục vụ con người, làm con người hạnh phúc.
"Chính vì vậy, Techday lần này chúng tôi muốn đưa các bạn trong lộ trình hạnh phúc, từ tuổi thơ đến học hành, lập nghiệp, gia đình, công sở, xã hội cho đến tương lai. Chúng ta đi đến một con đường hạnh phúc, nghĩa là tôi và các bạn cùng làm chuyện đó".
Ông Trương Gia Bình nhận nhiều tràng vỗ tay khi chia sẻ về công nghệ vị nhân sinh . Ảnh: Quỳnh Trần
Lấy ví dụ bằng câu chuyện cùng một sáng lập viên FPT, ông Bình nói rằng: hạnh phúc là khi yêu và được yêu. Thế nào là được yêu? Tức là mình được ai đó hiểu, quan tâm, chăm sóc mình một cách tốt nhất. Và bây giờ chúng ta, các doanh nghiệp, bất kể lĩnh vực nào, hơn lúc nào hết phải hiểu khách hàng của mình, hiểu sâu sắc họ, dồn toàn bộ tâm huyết để hiểu.
"Xưa nói đến khách hàng nói đến khái niệm chung chung, như phân khúc khách hàng, thu nhập cao, khá hay trung bình... Mỗi tập khách hàng là hàng triệu con người. Đó không phải hạnh phúc. Hạnh phúc phải là yêu một người mà thôi. Đó là sự thay đổi lớn nhất mà tôi chia sẻ hôm nay: làm sao để từng khách hàng hạnh phúc", ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
-
15h56
Tiếp tục phần trình bày, Chủ tịch FPT bày tỏ mong muốn nhân viên toàn tập đoàn không phải làm những công việc nhàm chán. Ông định nghĩa những công việc này mang tính lập đi lặp lại. Nhân viên nên làm những việc giúp bản thân trở nên tài năng, giỏi giang hơn, còn những việc nhàm chán cần để máy móc, robot thay thế. Việc giải phóng người lao động theo ông Bình sẽ tạo ra sinh lực để bứt phá cho mọi tổ chức. "Người lao động hạnh phúc thì doanh nghiệp mới phát triển", lãnh đạo FPT khẳng định.
Chủ tịch Trương Gia Bình cho rằng giải phóng người lao động sẽ giúp doanh nghiệp bứt phá. Ảnh: Quỳnh Trần
Lấy ví dụ, ông dẫn ra trước đây FPT có đội ngũ hàng trăm người chỉ để nhập liệu, quản lý số liệu, hóa đơn, tài chính. Giờ đây, đội ngũ này chỉ còn 6 người, các công việc này được chuyển cho máy móc.
"Người có thể sai, máy thì không. Đây là cách chúng tôi khiến nhân viên của mình hạnh phúc, khách hàng cũng tin tưởng hạnh phúc", ông Bình khẳng định.
Ông Bình tiếp tục nói về định hướng năm 2023 tập trung vào viêc tạo ra ông chủ hạnh phúc, doanh nghiệp hạnh phúc. Dẫn chứng, ông Bình cho rằng những nhà quản lý doanh nghiệp hiện nay dành đến 70% để quản lý tài chính, nhân sự, hoặc lo các khâu trong quy trình. FPT cùng với sức mạnh công nghệ có thể giúp doanh nghiệp giải phóng, tối ưu về dòng tiền, giúp các quy trình trở nên đơn giản thông qua máy tính, AI.
"Chúng tôi sẽ bắt đầu trên các đơn vị thành viên của FPT trước. Nếu hiệu quả có thể tiết kiệm hàng núi tiền", Chủ tịch FPT chia sẻ kèm lời khẳng định "đó mới là chuyển đổi số và là tương lai không thể không làm".
Chủ tịch Trương Gia Bình tin tưởng trí tuệ Việt có đủ khả năng tạo nên những sản phẩm mang tầm quốc tế. Ảnh: Quỳnh Trần
Cuối cùng, vị doanh nhân truyền cảm hứng cho hàng nghìn người tham gia bằng cách khẳng định phải có niềm tin về những điều lớn lao mà người Việt có thể làm được. 20 năm trước, FPT cho rằng nghĩ tài sản lớn nhất của Việt Nam là trí tuệ. Muốn ghi danh lên bản đồ của thế giới cần phải bán được sản phẩm số. Ông kể cảm giác bán được sản phẩm đầu tiên rất hạnh phúc.
"Sau 20 năm, Việt Nam đã trở thành một trong số cường quốc công nghệ của thế giới. 20 năm nữa, chúng ta sẽ không thể tưởng tượng ra sức mạnh của đất nước. Hiện nay, trẻ em lớp 1 đến 12 trong hệ thống FPT được học về AI. Chúng ta chờ đợi tương lai mà mọi em nhỏ ở Việt Nam đều tiếp cận về công nghệ và tạo ra một quốc gia tự cường", Chủ tịch Trương Gia Bình khẳng định.
Chia sẻ từ Chủ tịch Trương Gia Bình nhận nhiều tràng vỗ tay từ khán giả tham gia chương trình. Ảnh: Quỳnh Trần
-
15h59
Chuyển đổi số trong ngành bán lẻ Việt Nam
Sau bài phát biểu của ông Trương Gia Bình là cuộc đối thoại giữa bà Nguyễn Đỗ Quyên, Giám đốc Điều hành FPT Retail và ông Nguyễn Bảo Tri, Giám đốc Công nghệ, Unilever Việt Nam về chuyển đổi số trong ngành bán lẻ Việt Nam.
Ông Nguyễn Bảo Tri - Giám đốc Công nghệ Unilever Việt Nam và bà Nguyễn Đỗ Quyên - Giám đốc Điều hành FPT Retail chia sẻ về ứng dụng công nghệ trong kinh doanh. Ảnh: Quỳnh Trần
Ông Nguyễn Bảo Tri cho biết, Unilever chuyên sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng, nhưng ban đầu không bán lẻ, thông qua các kênh phân phối, siêu thị... để đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, Covid-19 đã khiến các kênh cung ứng bị đứt gãy. Trước câu hỏi làm thế nào để phục vụ người dân trong giai đoạn khó khăn, Unilever đã quyết định biến kênh bán hàng cho nội bộ cho nhân viên thành kênh bán hàng cho người tiêu dùng. Sau 3 tuần, với sự hỗ trợ của FPT, Unilever đã hoàn thành phần mềm Ushop bán hàng cho người tiêu dùng. Người dân chỉ cần ở nhà, vào app, đặt hàng sau 48 giờ đã nhận được hàng.
Bà Nguyễn Đỗ Quyên - Giám đốc Điều hành FPT Retail. Ảnh: Quỳnh Trần
Dù là giải pháp để khắc phục Covid-19 nhưng đến nay Ushop đã phát triển với hơn 100.000 thành viên, hơn 10 đối tác tham gia bán hàng trên kênh này và nhận dđược phản hồi tốt. Unilever cũng đã biến nền tảng bán hàng online, thành vừa bán hàng online vừa offline, mở các cửa hàng ở các khu chung cư, qua đó, thu hút người tiêu dùng đăng ký. Đây cũng là những trạm để người mua hàng trên Ushop nhận hàng.
-
16h00
Bài toán tối ưu tồn kho, vận tải cho nhà phân phối
Trả lời câu hỏi phát triển mạng lưới nhà phân phối, ông Nguyễn Bảo Tri cho biết trước đây đơn vị có rất nhiều công cụ giúp hệ thống, nhân viên nâng cao doanh số. Còn hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mua sắm online, bán hàng online có rất nhiều tiềm năng.
"Tôi nghĩ làm sao có một nền tảng giúp dễ bán, dễ mua nhất. Đó chính là lý do ra đời của ứng dụng B2B Retail Service giúp nhà phân phối nắm toàn bộ thông tin: những mặt hàng đang có, thông tin khuyến mại, giờ vàng, từ đó chủ cửa hàng biết nên mua gì, làm gì, có thể đặt hàng bất cứ lúc nào, kể cả cuối ngày, hay thứ bảy, chủ nhật", ông Tri phân tích.
Ông Nguyễn Bảo Tri - Giám đốc Công nghệ Unilever Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trần
Ứng dụng song hành kênh online với nhân viên bán hàng, giúp nhà phân phối trong việc kinh doanh. Thực tế, những đơn vị nào ứng dụng nền tảng này đã tăng 20% hiệu quả. Sản phẩm còn giúp giải phóng nguồn lực nhà phân phối. Ngày xưa họ đến lấy từng đơn đặt hàng, bây giờ thì có nhiều thời gian để làm những việc có giá trị, đến thăm và mở nhiều cửa hàng hơn.
Trước những chia sẻ này, bà Nguyễn Đỗ Quyên nhận định ông đã đưa ra một thông điệp đúng với chủ đề hội thảo hôm nay: công nghệ lúc nào cũng đi cùng cuộc sống. Bà cũng tiếp tục đặt câu hỏi: Sau khi giải quyết tồn kho, bài toán vận tải giải quyết thế nào, tối ưu vận trình vận tải mà không đội chi phí cao?
Đáp lời, ông Tri cho biết xu thế bây giờ là của Big Data, AI, máy học. Sau khi triển khai bán hàng online, đơn vị cam kết giao trong 48 tiếng nên hậu cần, giao hàng là bài toán quan trọng. Để giải quyết, đơn vị tận dụng tối đa data đang có, kết hợp nguồn data bên ngoài để xây dựng hệ thống quản trị - phân tích data, thuật toán nhằm tối ưu tuyến đường đi giao hàng, tối ưu hóa việc xe tải phải đầy tải.
Trước đây nhà phân phối giao cho từng đơn vị là cố định, xe hàng đầy hay không vẫn đi. Sau khi ứng dụng hệ thống này, nhà phân phối có thể tối ưu, giảm đầu xe, từ 10 xe chỉ còn 6 xe, giảm chi phí vận hành. Cũng nhờ vậy các đơn vị có thể tối ưu rất nhiều yếu tố: giảm vận hành hậu cần, tuyến đường tối ưu giảm phí xăng dầu. Thực tế, các đơn vị có thể tiết kệm 15% chi phí vận hành. Hệ thống thông minh còn có những bảng phân bổ để xác định giao những điểm nào, dễ dàng và tự động hóa, cuối ngày có bảng báo cáo đánh giá.
"Chất lượng tăng, giảm chi phí, khách hàng hài lòng hơn là những kết quả nổi bật mà chúng tôi đạt được", ông Tri nói.
-
16h12
Bà Nguyễn Đỗ Quyên khẳng định FPT vinh dự khi đồng hành cùng Unilever. Doanh nghiệp này đã ứng dụng công nghệ để tăng trưởng ngay trong đại dịch. Câu chuyện của Unilever khiến bà liên tưởng đến chính kinh nghiệm thực chiến của Nhà thuốc FPT Long Châu trong đại dịch. Được mở cửa nhà thuốc trong đại dịch vốn được xem là một điều may mắn, nhưng hàng nghìn dược sĩ của đơn vị lại trở thành F0. Mỗi nhà thuốc khi này chỉ còn 1-2 dược sĩ trực tiếp phục vụ khách hàng. "Thời điểm này, chúng tôi trỗi dậy một ước mơ vượt nghịch cảnh để phục vụ người dân. Tôi nhìn thấy mong ước rất lớn của bà con khi này", bà Quyên khẳng định.
Cả hai diễn giả đều đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ vào kinh doanh, đem lại những hiệu quả thiết thực. Ảnh: Quỳnh Trần
Thay vì mô hình kinh doanh truyền thống, FPT Long Châu chuyển đổi mô hình kinh doanh thành một app bán hàng gọn nhẹ. Đằng sau là cả một câu chuyện về công nghệ. Dược sĩ khi đi cách ly chỉ cần có mạng 4G, Wi-Fi có thể dùng app để tư vấn trực tiếp và quản lý người dùng. Trên app, dược sĩ có thể tư vấn cho người bệnh, có thể theo dõi tồn kho "real time" để chuyển nhu cầu mua thuốc đến cửa hàng còn thuốc gần nhất. Khách hàng dù liên hệ qua kênh nào khách hàng vẫn nhận được tư vấn.
Sau khi "dược sĩ online" chuyển đơn, các nhân viên ít ỏi làm việc trực tiếp tại cửa hàng chỉ việc đóng gói đơn hàng, chờ người mua đến lấy. Ước tính, lượng đơn hàng trong đại dịch tăng gấp 5. Mức độ nhận diện tăng 50% - một số liệu vượt ngoài mong đợi của đơn vị. Lượng truy cập website FPT Long Châu tăng 150% và khách hàng xây dựng được niềm tin của khách hàng. "Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất với chúng tôi, những người làm bán lẻ", bà Quyên kết luận.
Sau phần chia sẻ của bà Quyên, khán giả dành tràng pháo tay lớn để khích lệ tầm nhìn và sứ mệnh vì người dùng của FPT Long Châu.
-
16h20
Trước những chia sẻ về tăng trưởng của FPT Retail, ông Tri mong muốn hiểu thêm cách FPT Retail đã làm để đạt được kết quả đó, nhất là việc phát triển cơ sở hạ tầng. Bà Quyên thừa nhận, trong Covid-19, khối lượng đơn hàng của nhà thuốc Long Châu lên rất nhanh khiến đơn vị rất khó xử lý. Lúc đó, những "đồng đội" tại FPT Smart Cloud đã khuyên FPT Retail chuyển dữ liệu bán hàng lên Smart Cloud. Đã quen với truyền thống quản lý đơn hàng bằng cách thuê các server, lúc này FPT Retail không còn lựa chọn nào khách là chuyển đổi dữ liệu lên Cloud. Hiện nay, đơn vị là một trong số doanh nghiệp bán lẻ tỷ đôla đã đưa toàn bộ dữ liệu lên Cloud với 900 cửa hàng FPT Shop và 1.000 nhà thuốc. Bà Quyên tiết lộ sắp tới đơn vị sẽ mở thêm 300 cửa hàng, 600 nhà thuốc mà không cần lo mua máy chủ vì đã đưa hệ dữ liệu lên Cloud.
Ông Nguyễn Bảo Tri - Giám đốc Công nghệ Unilever Việt Nam đánh giá cao hợp tác cùng FPT. Ảnh: Quỳnh Trần
Kết thúc buổi nói chuyện, ông Tri bày tỏ ý tưởng nâng tầm hợp tác giữa hai đơn vị lên mức cao hơn dù hai đơn vị đã có thời gian song hành cùng nhau. Theo đó, máy tính, điện thoại của FPT Shop, thuốc mỹ phẩm của Long Châu có thể được bán trên Ushop của Unilever cũng như các hàng tiêu dùng của Unilever có thể được mua trên app của FPT Retail.
Bà Quyên nhìn nhận công nghệ sẽ mở ra cánh cửa hợp tác cho nhiều doanh nghiệp hơn nữa. Ảnh: Quỳnh Trần
Bà Quyên đánh giá đây là ý tưởng rất tuyệt vời, sẽ cố gắng triển khai.
"Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đến đây làm diễn giả, không ngờ có thêm những ý tưởng về hợp đồng hợp tác mới", bà Quyên chia sẻ.
-
16h30
Hành trình chuyển đổi số của các ông lớn toàn cầu
Sau phiên thảo luận về bài toán chuyển đổi số toàn cầu, không gian sân khấu thay đổi, mô phỏng bối cảnh một buổi cắm trại giữa các lãnh đạo doanh nghiệp. 5 vị diễn giả mặc trang phục cắm trại, ngồi trên ghế xếp xung quanh chiếc bàn gấp, thoải mái kể lại câu chuyện chuyển đổi số tại doanh nghiệp mình. Dẫn dắt phần trò chuyện là ông Frank Bignone - Giám đốc Chuyển đổi số toàn cầu, FPT Software.
5 diễn giả trao đổi về chuyển đổi số tại doanh nghiệp. Ảnh: Quỳnh Trần
Mở đầu câu chuyện, ông Linus Tham - Giám đốc Công nghệ thông tin IHH Healthcare Berhad, cho biết chuyển đổi số ngày nay là sự hỗn hợp. Ông lấy dẫn chứng từ những câu chuyện từ các diễn giả trước: như ông Bình nói chúng ta phải hiểu khách hàng. Khách hàng không chỉ là những người bán sản phẩm mà là nhân viên, quản lý, cổ đông, những người này đều là khách hàng.
"Hành trình hiểu khách hàng, đơn vị kinh doanh đều phải được chuyển đổi để phát triển, tồn tại", ông Linus Tham nhấn mạnh.
Ông Linus Tham - Giám đốc Công nghệ thông tin IHH Healthcare Berhad (giữa). Ảnh: Quỳnh Trần
Kỹ thuật số thay đổi rất nhanh chóng, con người còn phải thay đổi nhanh hơn để theo kịp. Hay ông ví dụ từ câu chuyện của ông Anh Trí từ Unilever, lúc đầu chỉ là B2B sau chuyển đổi để tăng doanh số, tức là phải thay đổi rất quyết liệt.
"Chúng ta không chỉ làm nhiều hơn mà cần kiên nhẫn hơn", ông Linus Tham nói.