Donald Trump trong cuộc phỏng vấn hôm 10/5 với CNN cho biết nếu giữ chức tổng thống Mỹ, ông sẽ gặp lãnh đạo Nga và Ukraine để yêu cầu họ ngừng giao tranh, chấm dứt xung đột trong 24 giờ.
Tuy nhiên điều gây chú ý là việc khi được hỏi về viện trợ cho Ukraine, Trump đã không cam kết tiếp tục chính sách này nếu đắc cử năm 2024. "Chúng ta đang cho đi rất nhiều vũ khí, để rồi ngay lúc này, Mỹ không có đủ đạn cho chính mình. Chúng ta đã cho đi quá nhiều", ông nói.
Trump còn cho rằng Mỹ đã viện trợ Ukriane quá nhiều, do đó châu Âu nên "chi thêm tiền". Tuyên bố này của Trump làm nhiều người nhớ lại lời đe dọa rút Mỹ khỏi NATO nếu các nước châu Âu không chi nhiều hơn cho quốc phòng mà ông đưa ra khi còn giữ chức tổng thống Mỹ.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Scotland hôm 1/5. Ảnh: Reuters
Châu Âu đã từng rất bất an với những tuyên bố quyết liệt của Trump khi ông làm tổng thống, dù hành động của ông đôi lúc không đi đôi với lời nói.
Đến nay, nỗi lo lắng đó tiếp tục trỗi dậy, khi Mỹ sắp bước vào bầu cử tổng thống và Trump, ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa, cho thấy ông vẫn không thay đổi quan điểm với châu Âu. Câu hỏi lập tức được đặt ra là số phận Ukraine sẽ ra sao nếu giao tranh kéo dài qua năm 2024 và ông Trump trở lại lãnh đạo Nhà Trắng.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine hồi tháng hai năm ngoái, Mỹ đã lãnh đạo các đồng minh phương Tây cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine cũng như áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm gây áp lực tối đa lên Moskva.
Mỹ đến nay đã cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự trị giá 36,9 tỷ USD, cao hơn nhiều so với các quốc gia phương Tây khác.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 10/5 tìm cách trấn an những lo ngại rằng đảng Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ đang ngày càng chia rẽ về cuộc xung đột.
"Ai biết được chúng ta sẽ ở đâu vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ", ông Zelensky nói với BBC. "Tôi tin rằng Ukraine sẽ giành chiến thắng vào lúc đó".
Một số quan chức châu Âu cho rằng khu vực cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraine, nhằm đập tan những chỉ trích từ Mỹ rằng họ không chịu chia sẻ gánh nặng và phụ thuộc quá nhiều vào Washington để đảm bảo an ninh của chính mình.
"Tôi không phải người hâm mộ tổng thống Trump, nhưng tôi nghĩ ông ấy đã đúng một điều, châu Âu không chia sẻ gánh nặng với Mỹ", Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ngày 11/5 nói.
Lo ngại của châu Âu về nguy cơ Mỹ thay đổi chính sách với Ukraine không ngừng tăng lên kể từ cuộc bầu cử giữa kỳ năm ngoái, khi nghị sĩ Cộng hòa Kevin McCarthy, tuyên bố quốc hội sẽ không còn duyệt những "tấm séc trắng" cho Kiev nữa.
Tuy nhiên, sau khi được bầu làm Chủ tịch Hạ viện, ông McCarthy gần đây nói rằng ông ủng hộ việc tiếp tục hỗ trợ Kiev. Nhiều thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa, trong đó có lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell, vẫn cam kết tiếp tục hỗ trợ vũ khí và tài trợ cho Ukraine.
Hôm 11/5, một số đảng viên Cộng hòa đã kêu gọi các đồng minh ở châu Âu không nên quá coi trọng bình luận của Trump. Họ thừa nhận điều này là đáng lo ngại, song lưu ý rằng còn quá sớm để khẳng định Trump sẽ trở thành ứng viên đại diện đảng tranh cử vào Nhà Trắng.
"Tôi hiểu rằng chúng ta không thể phớt lờ ông ấy, nhưng chúng ta cũng không thể trao quyền lực cho ông ấy quá sớm", một thành viên đảng Cộng hòa tại quốc hội nói.
Những người phản đối viện trợ Ukraine trong quốc hội Mỹ hiện vẫn là thiểu số. Một lá thư gửi vào tháng trước cho Tổng thống Joe Biden phàn nàn về việc viện trợ "quá nhiều" cho Ukraine chỉ nhận được 19 chữ ký từ các thành viên đảng Cộng hòa, trong đó có ba thượng nghị sĩ.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang North Carolina Thom Tillis nhấn mạnh "cam kết cơ bản của quốc hội Mỹ với Ukraine vẫn rất mạnh mẽ".
Tổng thống Biden đã nhiều lần khẳng định mục tiêu của ông là hỗ trợ Ukraine đối đầu với Nga càng lâu càng tốt, nhằm đưa Kiev vào vị thế mạnh nhất có thể để sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình với Moskva.
Ukraine đang chuẩn bị cho một chiến dịch phản công lớn nhằm giành lại các phần lãnh thổ quan trọng mà Nga đang kiểm soát. Năm ngoái, quân đội nước này đã đạt được một số thành công, nhưng sau đó, với việc lực lượng cả hai bên đều suy kiệt vì tổn thất nặng nề, tiền tuyến ở miền đông và nam Ukraine những tháng gần đây không có nhiều thay đổi.
Những hoài nghi về tương lai nguồn viện trợ từ Mỹ khiến giới chức châu Âu càng chắc chắn hơn với quan điểm rằng những tháng tới sẽ là cơ hội tốt nhất để Kiev phát động chiến dịch phản công.
Đến nay, Nga vẫn chưa thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ muốn chấm dứt chiến dịch. Một số người cho rằng ông Trump chính là một trong những động lực khiến Tổng thống Putin quyết định tiếp tục cuộc chiến.
Ông Trump "có thể chiến thắng cuộc bầu cử Mỹ vào năm sau và đây dường như là điều Tổng thống Putin mong chờ", Tobias Ellwood, chủ tịch ủy ban quốc phòng của quốc hội Anh, nhận định.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm 11/5 cho biết nước này có mối quan hệ tốt với Tổng thống Biden và người Mỹ "nói đi đôi với làm" trong hỗ trợ Ukraine. Đây được cho là một nỗ lực của ông nhằm trấn an những lo ngại rằng Mỹ sẽ thay đổi quan điểm với xung đột Ukraine nếu ông Trump đắc cử.
"Tôi biết chắc những người Mỹ tử tế và tốt bụng sẽ nhận ra rằng quyền của họ cũng quan trọng như quyền của người Ukraine", Bộ trưởng Wallace nói. "Tôi tin tưởng rằng bất cứ ai làm tổng thống Mỹ tiếp theo cũng sẽ duy trì nỗ lực bảo vệ những quyền này".
Vũ Hoàng (Theo WSJ)