
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thượng đỉnh G20 ở Argentina năm 2018. Ảnh: AP
"Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cũng như trật tự quốc tế hiện có, nơi các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển dựa vào", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói ngày 28/6. "Trung Quốc, Nga và Ấn Độ nên nhận trách nhiệm trước toàn cầu nhằm bảo vệ lợi ích cơ bản và lâu dài của ba quốc gia này cũng như thế giới".
Tuyên bố được Chủ tịch Trung Quốc đưa ra trong cuộc gặp ba bên với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 đang diễn ra ở Osaka, Nhật Bản. Trong tuyên bố, nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi các nước cùng thúc đẩy một thế giới đa cực hơn và dân chủ hoá quan hệ quốc tế, đồng nghĩa với việc ít phụ thuộc vào một trật tự thế giới do Mỹ thiết lập.
New Delhi được xem là đồng minh chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Washington, nhằm kiềm chế sự gia tăng của Trung Quốc. Trong khi đó, Moskva nhiều lần bị Washington cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ, góp phần gia tăng căng thẳng mối quan hệ Nga - Mỹ.
Cuộc gặp ba bên Trung, Nga, Ấn tại G20 được xem là một phần nỗ lực của Bắc Kinh, tranh thủ tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế trước thềm cuộc họp cấp cao giữa ông Tập với Tổng thống Mỹ Trump, nhằm giảm bớt những căng thẳng leo thang trong thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tại một cuộc họp với các lãnh đạo các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS) gồm Trung Quốc, Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi, ông Tập cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh phản đối các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp và đơn phương. Phát biểu gây chú ý trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung được cho là phủ bóng Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này.
Tổng thống Mỹ hôm qua cũng tổ chức các cuộc đàm phán ba bên với Thủ tướng Ấn Độ Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ngoại trưởng Ấn Độ Vijay Gokhale mô tả cuộc gặp ba bên rất tốt đẹp, ngắn gọn nhưng hiệu quả. Tại cuộc gặp, ba bên thảo luận chính về Ấn Độ- Thái Bình Dương, cách thức hợp tác giữa ba nước nhằm kết nối, xây dựng cơ sở hạ tầng, duy trì hoà bình và ổn định cho ba nước và cả khu vực, theo ông Gokhale.
Ngoại trưởng Ấn Độ cho biết cuộc gặp song phương Trump - Modi diễn ra "ấm áp". Hai bên thảo luận về 5G và hợp tác kinh doanh giữa hai nước nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ.
Căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington là vấn đề gây quan ngại sâu sắc cho các thành viên dự G20. Liên minh châu Âu (EU) cho rằng thương chiến Mỹ - Trung đang tác động bất lợi cho nền kinh tế toàn cầu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Tekeshi Osuga cũng cho rằng các lãnh đạo G20 quan ngại trước những rủi ro có thể xảy ra từ cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc.
Thượng đỉnh G20 sẽ bế mạc hôm nay, trong đó cuộc gặp Trump - Tập được cho là sự kiện được chú ý nhất. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hôm qua đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer để chuẩn bị cho cuộc họp.
Bắc Kinh hôm qua kỳ vọng rằng cuộc gặp Trump - Tập bên lề G20 sẽ diễn ra thành công. Tổng thống Trump cũng hy vọng đàm phán với ông Tập sẽ có hiệu quả, nhưng không đảm bảo rằng Mỹ sẽ không áp thêm thuế với hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc.
Mai Lâm (Theo SCMP)