Ông Phạm Xuân Quắc trên đường đến cơ quan điều tra theo lệnh triệu tập. Ảnh: Tuấn Anh. |
Dự kiến, sẽ có 10 luật sư bào chữa cho 4 bị cáo. 25 phóng viên, lãnh đạo của 11 cơ quan báo chí và 2 cán bộ điều tra đã được Viện kiểm sát tối cao lên danh sách triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. "Tuy nhiên, số người bị triệu tập cuối cùng sẽ do Hội đồng xét xử quyết định", một lãnh đạo tòa Hà Nội nói với VnExpress.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát tối cao, trong thời gian làm trưởng ban chuyên án điều tra vụ PMU 18, nguyên Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14), thiếu tướng Phạm Xuân Quắc đã cùng thượng tá Đinh Văn Huynh, nguyên trưởng phòng điều tra C14 chủ động tiết lộ thông tin cho các phóng viên. Trong đó có nhiều thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng... để các báo đăng tải.
Ngoài việc cấp tin không chính xác cho các báo, ông Quắc và ông Huynh còn báo cáo sai sự thật về vụ án lên cấp trên, gây hiểu lầm trong nội bộ. Việc này diễn ra trong thời gian dài, gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với ông Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến, những người trực tiếp viết bài về vụ án PMU 18, Viện kiểm sát cho rằng, họ đã dựa vào những thông tin được cung cấp từ cơ quan điều tra, đưa thêm một số thông tin nhạy cảm, không có thực để viết bài.
Khi bắt đầu điều tra vụ án, cả 4 bị can đều bị khởi tố với tội danh "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Tuy nhiên, sau 3 tháng thu thập chứng cứ, cơ quan an ninh đã thay đổi tội danh. Hai bị can Quắc, Huynh bị đề nghị truy tố tội "cố ý làm lộ bí mật công tác" (khoản 2 điều 286). Nguyên nhà báo Hải và Chiến bị cáo buộc tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ" (khoản 2 điều 258).
Hiện, ông Quắc là bị can duy nhất được tại ngoại. Phiên tòa dự kiến sẽ xét xử trong một ngày 14/10.
Điều 286. Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác 1. Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 và Điều 263 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. 2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân 1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. |
Khương Duy