"Đúng, có bất đồng giữa Mỹ và Israel về 'giai đoạn hậu Hamas'. Và tôi hy vọng chúng tôi sẽ sớm đạt đồng thuận", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết trong video hôm nay. "Tôi muốn nêu rõ lập trường của mình. Tôi sẽ không để Israel lặp lại sai lầm ở Oslo".
Thủ tướng Netanyahu không nêu rõ đó là sai lầm gì. Oslo, thủ đô của Na Uy, là nơi các bên ký hiệp định năm 1993 với Mỹ làm trung gian, trong đó Israel chấp nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là đại diện của người Palestine, trong khi PLO công nhận quyền tồn tại hòa bình của Israel. Hai bên nhất trí Chính quyền Palestine sẽ quản lý Bờ Tây và Dải Gaza, mang hy vọng về lộ trình hiện thực hóa mô hình hai nhà nước.
Ông Netanyahu bình luận một ngày sau khi Tổng thống Joe Biden thừa nhận Mỹ và Israel có khác biệt. "Israel đang ở thời điểm khó khăn, giữa tôi và một số lãnh đạo Israel cũng tồn tại bất đồng", ông chủ Nhà Trắng nói.
Các nguồn thạo tin tuần trước cho biết Mỹ và Israel bất đồng về tương lai Dải Gaza sau khi lực lượng Hamas bị loại bỏ. Giới chức Israel muốn triển khai một vùng đệm để đảm bảo người Palestine không thể tiếp cận biên giới nước này. Họ cũng loại bỏ vai trò của Chính quyền Palestine.
Trong khi đó, Mỹ không đồng ý để Israel tái chiếm đóng Gaza hay khiến khu vực vốn là dải đất nhỏ này bị thu hẹp hơn nữa. Mỹ cho rằng người Palestine là bên chịu trách nhiệm quyết định vấn đề này và kêu gọi Chính quyền Palestine, Israel nối lại đàm phán hòa bình về giải pháp hai nhà nước.
Sau Hiệp định Oslo năm 1993, hầu hết Dải Gaza nằm dưới sự kiểm soát của Chính quyền Palestine mới thành lập. Tuy nhiên, bạo lực lan rộng tại khu vực, sau khi phong trào nổi dậy của người Palestine chống lại việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của họ (intifada) lần thứ hai khởi phát năm 2000.
Israel năm 2005 quyết định rút lực lượng khỏi Dải Gaza, khu vực nước này giành được trong Cuộc chiến 6 ngày năm 1967. Israel đã áp lệnh phong tỏa khu vực sau khi nhóm Hamas giành quyền kiểm soát Gaza từ năm 2007.
Hamas đối chọi về mặt chính trị và chiến lược với phong trào Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas ở Bờ Tây, bên được quốc tế công nhận là chính quyền Palestine. Hamas không thừa nhận nhà nước Israel, muốn áp dụng chiến lược kháng cự vũ trang chống lại Israel, còn Fatah thừa nhận nhà nước Do Thái và muốn theo đuổi đàm phán.
Hamas ngày 7/10 bất ngờ tập kích miền nam Israel khiến hơn 1.100 người chết. Israel sau đó mở chiến dịch ở miền bắc Gaza để đáp trả. Sau 7 ngày ngừng bắn, IDF ngày 1/12 nối lại chiến dịch và mở rộng phạm vi xuống miền nam Gaza. Giao tranh giữa hai bên khiến nhiều khu vực ở Gaza bị tàn phá, khoảng 19.500 người thiệt mạng, hơn 58.000 người bị thương tính đến ngày 12/12.
Như Tâm (Theo Reuters, Times of Israel)