![]() |
Nguyễn Quảng Quyền. Ảnh: Tiền Phong. |
Tốt nghiệp THCS, vì gia đình quá khó khăn, đông anh em, nên Nguyễn Quảng Quyền phải dừng việc học ở nhà phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Trong lòng chàng trai trẻ luôn nung nấu khát vọng vươn lên. Nhưng ở trên mảnh đất nghèo này, đủ ăn đã là may lắm rồi, nói gì chuyện làm giàu. Tháng 3/1999, khi có chính sách giao đất, giao rừng cho người dân quản lý và khai thác, Quyền khi đó mới 16 tuổi nên phải nhờ bố làm đơn xin chính quyền xã giao đất lập trang trại. Nghe vậy, ai cũng ngạc nhiên.
Khi nhận được hơn 10 ha đất trống đồi trọc, Quyền bắt tay thực hiện ước mơ của mình. Trèo đèo lội suối, dựng trại ngay trên đồi, một mình Quyền hằng ngày đào hố trồng cây. Đường xá cách trở, thiếu vốn, thiếu phân bón, cây giống nhưng Quyền vẫn quyết tâm bám trụ. Có những lúc anh ở lại hàng tháng trời để chăm sóc những cây con mới trồng. 10 ha đất nhận được anh chia làm ba phần: 5 ha trồng keo, 3 ha trồng dó và gần 2 ha trồng cam.
Năm 2001, Quyền được vay 10 triệu đồng từ vốn của chương trình Thanh niên lập nghiệp. Anh đầu tư hết vào cây giống và phân bón, rồi bôn ba khắp nơi học hỏi kinh nghiệm trồng rừng. Nghe nơi đâu có mô hình trồng rừng tốt là anh tìm đến. Khai hoang, trồng mới, Quyền còn nhận 2 ha rừng nguyên sinh của xã để bảo vệ.
Ông chủ rừng tuổi 24
Những ngày tháng khó khăn dần qua đi, khi mảnh đất khô cằn đã chịu khuất phục trước ý chí và nghị lực của chàng trai trẻ. Gần 10 ha đồi trọc đã được phủ xanh, hơn 4.000 gốc keo, 2.000 gốc dó đã đến tuổi trưởng thành, 1.500 cây cam đã bắt đầu cho quả ngọt. Mùa thu hoạch đầu tiên chỉ tính riêng cam đã đem lại cho Quyền gần 50 triệu đồng.
Bên cạnh đó anh còn mở rộng chăn nuôi trâu bò, tổng thu nhập hằng năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Quyền trở thành ông chủ của hơn 12 ha rừng cùng một vườn cây ăn quả.
Không dừng lại đó, anh làm đơn xin xã cấp thêm đất để trồng thêm rừng, đồng thời còn dự định mở xưởng chế biến lâm sản, nhằm tạo đầu ra cho những sản phẩm từ rừng.
Thành công của Quyền đã mở ra hướng đi cho nhiều thanh niên trong xã. Mô hình trồng rừng của anh được phổ biến rộng rãi. Nhưng thành quả lớn nhất chính là niềm tin vào rừng, vào hiệu quả mà rừng mang lại cho người dân miền sơn cước này.
(Theo Tiền Phong)