Ông Trần Ngọc Tiếp - Phó chánh tranh tra Bộ Bưu chính Viễn thông, cho hay, đây là lần thứ hai Bộ ra văn bản yêu cầu với doanh nghiệp gửi báo cáo thông tin cá nhân về các chủ thuê bao nằm trong danh sách quấy rối. Thế nhưng, gần 2 tháng trôi qua mới có mạng di động S-Fone chấp hành quy định.
"Tôi không rõ lý do gì mà các doanh nghiệp cứ khất lần, khất lượt không chịu công bố những thông tin này", ông nói.
Theo ông Tiếp, sự chậm trễ của các doanh nghiệp đang làm ảnh hưởng đến tiến độ điều tra của cơ quan chức năng. Trong khi đó, nạn quấy rối qua điện thoại di động đang không ngừng tăng lên, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều tổ chức và cá nhân khác. Theo quy định của Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm công bố thông tin về dịch vụ, thông tin khách hàng khi cơ quan chức năng yêu cầu. Do vậy, việc không chấp hành quy định này có thể khiến Bộ phải xem xét đến hình thức cắt thi đua khen thưởng cuối năm đối với một số doanh nghiệp.
Trao đổi với VnExpress, một số nhà khai thác di động cho rằng, việc xác định danh tính đối với các chủ thuê bao không khó, song họ cần có thời gian. Bởi lẽ, các thuê bao nằm trong danh sách quấy rối chủ yếu dùng dịch vụ trả trước.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia của Bộ Bưu chính Viễn thông thì sở dĩ các nhà khai thác ngại công bố danh tính "những kẻ quấy rối" vì lo ngại ảnh hưởng đến tốc độ phát triển thuê bao. Do vậy, Bộ cứ theo quy định mà làm thẳng tay xử phạt một doanh nghiệp nào đó để làm gương. Bởi lẽ, doanh nghiệp không thể vì lợi ích của mình, mải mê lo phát triển thuê bao mà không quan tâm đến quyền lợi của khách hàng khác.
Hồng Anh