![]() |
Ông Jim Yong Kim - ứng cử viên của vị trí Chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Ảnh: Đại học Dartmouth |
Jim Yong Kim sinh ra ở Hàn Quốc, sau đó lớn lên tại bang Iowa, Mỹ. Ông từng theo học chuyên ngành y khoa tại Đại học Havard, trước khi trở thành Chủ tịch Đại học Dartmouth vào tháng 7/2009. Ông cũng từng là giám đốc bộ phận HIV/AIDS của Tổ chức Y tế Thế giới.
Trong tuyên bố hôm 23/3, Tổng thống Obama đã ca ngợi những thành tựu mà ông Kim đã đạt được trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS, cũng như những trải nghiệm và hiểu biết của ông khi làm việc ở khắp nơi trên thế giới.
"Những kinh nghiệm của Jim thực sự ở phạm vi toàn cầu", và điều này sẽ giúp ông trở thành nhà lãnh đạo "lý tưởng" của Ngân hàng Thế giới, theo lời Tổng thống Obama. "Tôi không cho rằng Ngân hàng Thế giới có thể tìm được một ứng cử viên tốt hơn."
Theo Guardian, các quan chức Mỹ hiện phải đứng trước sức ép nặng nề trong việc tìm kiếm một nhà lãnh đạo tiếp theo cho Ngân hàng Thế giới. Larry Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, và là một trong những cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Obama, từng được xem là ứng cử viên số một cho vị trí này.
Jeffrey Sachs, giám đốc Viện Trái đất tại Đại học Columbia, New York, đồng thời là cố vấn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cũng đã tham gia cuộc đua này, với sự ủng hộ của chính phủ các nước Kenya, Malaysia, Jordan, và Đông Timor.
![]() |
Tổng thống Obama giới thiệu ông Jim Yong Kim trong tuyên bố ngày hôm qua. Ảnh: EPA |
Sau khi thông tin về lựa chọn của Tổng thống Obama được công bố ngày hôm qua, Sachs đã chia sẻ: "Jim Kim là một lựa chọn tuyệt vời cho vị trí người đứng đầu Ngân hàng Thế giới. Tôi hoàn toàn ủng hộ ông ấy. Xin cảm ơn những người đã giúp đỡ tôi. Tôi biết các bạn chắc chắn sẽ rất hài lòng với tin tức của hôm nay".
Trong khi đó, ông Summers lại không nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia đang phát triển tại Ngân hàng Thế giới.
Các nước này đã đề xuất hai ứng viên đáng tin cậy hơn, là Ngozi Okonjo-Iweala, Bộ trưởng Tài chính Nigeria, và José Antonio Ocampo, cựu Bộ trưởng Tài chính Colombia.
Vị trí chủ tịch Ngân hàng Thế giới thường thuộc về một người Mỹ, trong khi, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lại thường do một người châu Âu đứng đầu.
Sau khi Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss Kahn tuyên bố từ chức, các quốc gia đang phát triển đã lên tiếng phản đối việc một người châu Âu lại tiếp tục lãnh đạo tổ chức này. Tuy nhiên, Mỹ và EU nhanh chóng trợ giúp đại diện của Pháp, bà Christine Lagarde, trở thành giám đốc mới của IMF.
Sự ủng hộ của EU tại Ngân hàng Thế giới là vô cùng quan trọng với Mỹ, nhưng Tổng thống Obama vẫn thể hiện sự thận trọng hết mức khi quyết định tìm kiếm sự hỗ tợ từ các thành viên châu Á trong đề cử lần này.
David Blanchflower, giáo sư kinh tế tại Đại học Dartmouth, nói rằng quyết định này đã cho thấy sự sắc sảo của Tổng thống Obama.
"Jim có thể trở thành nhà lãnh đạo với kinh nghiệm phát triển tốt nhất ở Ngân hàng Thế giới. Sự thật cho thấy, ngay cả ứng cử viên Jeremy Sachs cũng đã có những phản ứng hoàn toàn tích cực trước động thái này của ông Obama. Jim không phải người da trắng, không thuộc tầng lớp thượng lưu và cũng không giống Larry Summers", ông nhận định.
Blanchflower nói Kim là một người "vô cùng thông minh và năng động. Chỉ có điều, ông ấy không phải là một chuyên gia kinh tế". Nhưng Blanchflower cũng cho biết, Kim có chuyên môn trong rất nhiều lĩnh vực khác và với sự ủng hộ từ châu Âu, Đông Á và Mỹ, vị trí của ông khá chắc chắn.
Simon Johnson, cựu chuyên gia kinh tế hàng đầu của IMF, cho rằng Tổng thống Obama đã có một lựa chọn vô cùng thông minh.
"Nếu bạn tới trụ sở Ngân hàng Thế giới tại Washington, bạn sẽ thấy những người ở đây dường như đang bị che mắt. Đó giống như một căn bệnh mà Ngân hàng Thế giới đang gắng sức đẩy lùi. Tôi nghĩ, "sức khỏe" của cộng đồng kinh tế đã tới lúc phải được cải thiện, và đây chính là một phần nhiệm vụ của tổ chức này".
Quỳnh Hoa