Thoại Hà -
Kế hoạch chống lại việc xuất bản dòng sách này đã được các nhà làm luật tranh luận từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Lần đầu tiên chính phủ Anh kiểm tra dòng sách của tội phạm và về tội ác là vào năm 1998, khi cuốn Cries Unheard (Những tiếng khóc không được nghe thấy) của tác giả Gitta Sereny bị công chúng phản đối kịch liệt vì tính chất dã man. Cuốn sách kể lại cuộc đời của Mary Bell, một cô gái bị kết án vì mới 11 tuổi đã giết chết hai cậu con trai. Sự giận dữ của độc giả cũng bắt nguồn từ việc Mary Bell đã nhận được 50.000 bảng Anh từ NXB vì chịu tiết lộ cuộc đời của mình lên trang sách.
Từ chuyện này, vấn đề pháp lý được đưa ra bàn luận: liệu có nên để những cuốn sách tương tự được phát hành ra công chúng?
Có nên phát hành những cuốn sách về tội ác thật hay không đang còn là tranh cãi căng thẳng giữa giới làm sách và các nhà làm luật tại Anh. |
Về vấn đề trên, Hiệp hội xuất bản (Publishers Association) lên tiếng phản đối mạnh mẽ ý định của chính phủ. Hội này cho rằng, nếu luật được thông qua thì đó là một luật "khập khiễng", "không thực tế", "không cần thiết" và vi phạm quyền tự do của công dân.
Simon Juden, Chủ tịch Hiệp hội xuất bản, nói rằng ông thất vọng khi thấy chính phủ muốn ngăn cấm việc này. "Rõ ràng là chẳng ai muốn những tội phạm lại kiếm được nhiều tiền từ chính tội ác của họ. Nhưng công bằng mà nói, việc in sách của họ đã giúp xã hội hiểu rõ hơn về tính chất của tội ác và những hành vi phạm tội. Vấn đề nữa là không phải ai bị kết án và bị tù tội thì cũng là những người xấu. Ví dụ trong trường hợp của Nelson Mandela, nếu áp dụng theo luật cấm của chính phủ thì có lẽ ông đã không thể ra sách được bởi vì ông từng bị kết án và ngồi tù; nhưng OJ Simpson thì được bởi anh ta không bị kết tội. Và luật này có thể bị những kẻ xấu lợi dụng", ông này nói.
Theo Hiệp hội, vấn đề ở đây là các NXB biết tự điều chỉnh nội dung cuốn sách. Và họ phải chịu trách nhiệm về cuốn sách nếu chúng chứa đựng những thú nhận quá tàn ác. Nếu cuốn sách quá phản cảm với nhiều hành vi bạo lực, và người kể lại nó là kẻ loạn thần kinh thì chắc chắn không nên được phát hành.
"Chúng ta cũng không được quên một khía cạnh là có những tội phạm đã biết quay đầu hối cải và ăn năn vì lầm lỡ của mình. Đó là những người đã trả hết nợ nần, ân oán bằng thời gian ngồi tù của anh ta. Một cuốn hồi ký có thể là một tác phẩm chuộc lỗi và là một lời cảnh tỉnh thiết thực đến xã hội", Hiệp hội xuất bản bảo vệ quan điểm của mình.
(Nguồn: Guardian)