Cục Dự trữ Liên bang (FED) vừa công bố báo cáo về môi trường kinh doanh của nước Mỹ. Trong đó, các số liệu chỉ ra hoạt động kinh tế tại cả 12 khu vực do FED kiểm soát đều suy yếu. Bản báo cáo trên dựa trên thông tin cung cấp bởi 12 chi nhánh của Ngân hàng Trung ương vào thởi điểm 6/10, ngày khởi đầu tuần lễ tồi tệ nhất trong lịch sử phố Wall.
Dấu hiệu suy thoái của kinh tế Mỹ thể hiện ở nhiều mặt, từ doanh số bán lẻ, hoạt động sản xuất đi xuống, cho tới cuộc khủng hoảng của thị trường nhà đất, tài chính, và chứng khoán. Ảnh: abc.net.au. |
Tiêu dùng, chiếm hơn 60% của các hoạt động kinh tế, và sản xuất đều giảm tại gần như tất cả các khu vực. Việc người dân hạn chế chi tiêu đang tạo ra nỗi lo kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục giậm chân tại chỗ từ nay đến đầu năm sau. Theo định nghĩa cổ điển, một nền kinh tế suy thoái khi có hai quý liền không tăng trưởng. Một số người, nhận định tình trạng hai quý liên tiếp không có tăng trưởng hoàn toàn có thể xảy ra.
Bộ Thương mại Mỹ vừa thông báo vào hôm qua, doanh số bán lẻ giảm tới 1,2% trong tháng 9, trong khi trước đó các chuyên gia chỉ nghĩ tới mức giảm 0,7%. Đây là mức lùi mạnh nhất kể từ tháng 8/2005. Trong đó, doanh số bán hàng của ngành công nghiệp xe hơi ở mức dưới 1 triệu chiếc, đi xuống 3,8%. Ngay cả khi không tính tới doanh số bán xe hơi, hoạt động bán lẻ cũng giảm tới 0,6%, cao gấp đôi dự đoán.
Doanh số bán lẻ trong 3 tháng gần đây sụt giảm cho thấy rủi ro suy thoái đang gia tăng. Lần gần đây nhất biến cố tương tự diễn ra là năm 1992.
Nhiều chuyên gia tin rằng, trong lần họp tiếp theo, FED sẽ tiếp tục đưa lãi suất xuống thấp hơn mức 1,5% hiện tại nhằm kích thích hoạt động tiêu dùng. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ để ngân hàng lấy lại tự tin và cho vay trở lại. Trước đó, FED và các ngân hàng trung ương lớn đã đồng loạt cắt giảm lãi suất để chống lại khủng hoảng tài chính, và ngăn chặn khả năng suy thoái toàn cầu.
Chủ tịch FED Ben Bernanke vẫn tỏ ra khá lạc quan. Thừa nhận rằng quá trình hồi phục sau khủng hoảng tín dụng "sẽ không xuất hiện ngay lập tức" nhưng ông nhấn mạnh, về dài hạn, sau khi cuộc khủng hoảng nhà đất và tài chính kết thúc, kinh tế Mỹ sẽ lại trỗi dậy với một sức sống mới.
Phát biểu tại New York, người đứng đầu FED cho biết những vấn đề của nền kinh tế và thị trường là sâu rộng và phức tạp. Tuy nhiên, ông nói: "Theo đánh giá của tôi, nền kinh tế của chúng ta có những công cụ cần thiết để đối đầu và giải quyết những vấn đề trên".
Xuân Hòa (Theo AP)