![]() |
Một dòng sông băng đang tan chảy. Ảnh: ecoenquirer.com. |
Trước đây, các nhà khoa học cho rằng, băng tan chảy ở Greenland và nhiều nơi ở Bắc Cực ngày càng nhanh là do không khí nóng lên dưới tác động của biến đổi khí hậu. Nhưng theo nghiên cứu của nhà khoa học Jianjun Yin và đồng nghiệp từ Đại học Arizona cho thấy, nước ấm lên làm cho băng tan nhanh hơn so với dự kiến.
Theo AP, khi các tảng băng nổi tan chảy sẽ không làm tăng mực nước biển. Nhưng khi lớp băng bên dưới tan chảy, nước xung quanh các tảng băng ấm lên và tạo ra lượng nước từ các sông băng đổ vào biển.
"Các đại dương ấm lên sẽ gây tác động lớn hơn so với bầu khí quyển ấm lên vì nước có khả năng giữ nhiệt tốt hơn không khí. Nếu bạn đặt một khối băng trong căn phòng ấm áp, nó sẽ tan chảy trong vài giờ, nhưng nếu bạn đặt một khối băng trong một cốc nước ấm, nó sẽ tan chảy chỉ trong vài phút", Jianjun Yin giải thích.
Ngoài ra, theo Jianjun Yin, nếu các tảng băng nổi dọc khu vực bờ biển tan chảy cũng sẽ góp phần đẩy nhanh dòng chảy của sông băng vào vùng biển.
"Điều này nói lên rằng, ở Greenland và nhiều nơi ở Bắc Cực băng sẽ tan chảy nhanh hơn so với những gì mà nhà khoa học suy nghĩ", Jonathan T. Overpeck, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.
Ông này nói thêm: "Kết quả nghiên cứu cũng nói lên thực tế con người có thể chứng kiến mực nước biển dâng thêm một mét và tiếp tục dâng cao trong những thế kỷ tiếp theo".
Các chuyên gia cũng dự đoán, nhiệt độ nước bên dưới đảo băng Greenland có thể tăng 2 độ C vào năm 2100, nhiệt độ dọc bờ biển của Bắc Cực cũng ấm lên khoảng 0,5 độ C.
Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Nature Geoscience.
Hương Thu