Căn nhà cấp bốn cũ kỹ ở thôn Tây Đại, xã Hoằng Xuyên, huyện Hoằng Hóa là nơi chị em Khiêm - cựu học sinh lớp 12A6, trường THPT Lương Đắc Bằng nương tựa bác gái ngoài tuổi ngoài lục tuần. Hơn chục năm trước, gia đình em chuyển về đây sinh sống. Ngoài làm ruộng, bố em tranh thủ sửa chữa điện tử để có tiền cho ba chị em Khiêm ăn học.
Tuy nhiên, khi Khiêm vừa thi vào lớp 10 thì bố em mắc ung thư máu, gia đình phải vay mượn khắp nơi lấy tiền đưa bố đi chữa trị. Do bệnh tình ở giai đoạn cuối, bố em qua đời sau một năm phát bệnh.
Cùng năm, mẹ Khiêm bị phát hiện mắc ung thư. "Thời gian chăm sóc mẹ là lúc em cảm thấy vô cùng khó khăn và sợ hãi. Em sợ mẹ theo bố, bỏ lại mấy chị em bơ vơ...", nữ sinh nghẹn ngào kể. Những buổi đến trường, Khiêm bảo không thể tập trung, đêm về lại mất ngủ vì "sợ mẹ nghĩ quẩn".
Sau 8 tháng phát bệnh, mẹ em cũng qua đời. "Mẹ mất khiến em gần như mất đi phương hướng, nhiều lúc không muốn về nhà vì quá ám ảnh. Có lần em định bỏ học vì cảm thấy quá cô đơn, tủi thân", Khiêm nói, mắt đỏ hoe.
Nhờ sự động viên của người thân và thầy cô, Khiêm tiếp tục đến trường. Em thay cha mẹ lo lắng, chăm sóc cho em út Trịnh Như Thiêm năm nay mới lên lớp 7. Còn chị gái Khiêm là Trịnh Thị Như Diễm, vừa tốt nghiệp Đại học Y khoa Vinh, công việc chưa ổn định.
Mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình phụ thuộc vào số tiền trợ cấp mồ côi hơn 400.000 đồng mỗi tháng của Khiêm và em gái, cộng thêm một phần hỗ trợ của nhà trường, họ hàng và bà con chòm xóm.
Người bác ruột Trịnh Thị Tam, 63 tuổi, là chỗ dựa cho ba chị em Khiêm. Bà Tam từng có thời gian tham gia kháng chiến ở bệnh viện trực thuộc Sư đoàn 384, đóng quân tại Lào. Trở về quê, bà đảm nhiệm một số chức vụ ở xã rồi nghỉ hưu sớm. Bà không lập gia đình, ở vậy đến giờ. Dù sức khỏe yếu, bà Tam vẫn làm ruộng và tranh thủ nhận thêm nghề đan cói để kiếm tiền lo cho các cháu.
"Các cháu thật đáng thương. Kể từ ngày bố mẹ mất, khoản tiền vay mượn để chữa trị bệnh chưa trả hết. Ít đồng lương hưu của tôi không thấm vào đâu", bà Tam kể. Người bác lo lắng "bệnh tật tuổi già, chẳng biết sống được bao lâu nữa, chỉ sợ không giúp được các cháu thực hiện ước mơ và khôn lớn thành người".
Kể từ sau cái chết của cha mẹ vì bệnh ung thư, ước mơ trở thành bác sĩ càng nung nấu trong Khiêm. "Em muốn trở thành bác sĩ để cứu những người mắc bệnh hiểm nghèo như bố mẹ...", nữ sinh giải thích.
12 năm phổ thông, Khiêm đều là học sinh giỏi của trường. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, em đạt 25,9 điểm ở ba môn khối B (môn Toán được 8,4 điểm, Hóa 8,25 và Sinh 9,25). Nữ sinh đăng ký xét tuyển vào ngành Y đa khoa, Đại học Y Khoa Vinh và nhiều khả năng đỗ. Tuy nhiên, để hoàn thành chương trình đại học với nữ sinh nghèo là cả chặng đường khó khăn.
"Mong ước là vậy nhưng em không dám chắc có thực hiện được không vì chưa biết xoay sở học phí ra sao", nữ sinh ngậm ngùi. Em dự tính khi nhập học sẽ kiếm việc làm thêm để trang trải học phí.
Bà Nhữ Thị Tiến, Trưởng thôn Tây Đại, xã Hoằng Xuyên, cho biết gia đình Khiêm thuộc hộ nghèo. "Mặc dù gia cảnh khó khăn, các cháu rất chịu khó học tập. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương cùng bà con lối xóm cũng thường hỗ trợ động viên các cháu", bà Tiến nói.