
Đinh Thị H'Lanh viết chữ bằng chân. Ảnh: Trần Hóa.
Giờ Anh văn, H'Lanh, học sinh lớp 12A8, trường THPT Lương Thế Vinh mắt nhìn lên bảng, chân kẹp ngòi bút bi, hí hoáy chép bài trên chiếc ghế dài. Thỉnh thoảng mỏi chân, nữ sinh người Ba Na lại gác chân qua cái ghế nhựa để sẵn từ trước. Hành động đó được lặp đi lặp lại trong suốt buổi học.
"Em không ngờ hôm nay được ngồi trong căn phòng này", H'Lanh nói và kể về tuổi thơ không lành lặn của mình.
20 năm trước, H'Lanh mới sinh ra đã không có đôi tay. Dân làng Krôi, xã Đăk Smar, huyện Kbang khi ấy tỏ ra sợ hãi về đứa trẻ kỳ lạ này và thêu dệt thành những câu chuyện hoang đường. Có người ác miệng nói do "con ma rừng" hoặc "Yàng - thần linh" trừng phạt, lấy đi đôi tay.
Người mẹ ban đầu cũng sợ hãi, vì bà chưa từng thấy cảnh tượng này bao giờ. Nhưng vì tình mẫu tử, bố mẹ H'Lanh quyết định nuôi em khôn lớn, bỏ ngoài tai những lời đồn đoán. Lúc mới tập đi, em mất thăng bằng và không có tay bấu víu nên liên tục bị ngã.
Lên sáu tuổi, thấy các bạn trong làng đều cắp sách đến trường, còn H'Lanh thì luẩn quẩn một mình ở nhà. Buồn chán, em muốn đi học nhưng bố mẹ cứ lảng tránh, bảo "con còn nhỏ".

H'Lanh nắn nót từng nét chữ. Ảnh: Trần Hóa.
Phải hai năm sau, H'Lanh mới được đến trường. Lo sợ thầy cô đuổi học nếu không viết được chữ, nên cứ về nhà là em lấy vở ra, chân kẹp ngòi bút viết đi viết lại nhiều lần, khiến chân sưng đỏ và tê cứng. Mới đầu, những nét chữ còn nguệch ngoạc nhưng dần dần em cũng viết đẹp và thành thạo như các bạn trong lớp.
Nhà có năm anh em sát tuổi nhau, H'Lanh là con thứ hai. Vì hoàn cảnh gia đình thuộc diện cận nghèo, bố mẹ làm quần quật cả ngày trên nương rẫy, nên ngoài giờ học, ở nhà H'Lanh phải giữ em và làm tất cả việc nhà bằng đôi chân như quét dọn nhà cửa, giặt quần áo...
Ngay từ năm đầu tiểu học, H'Lanh quen và chơi thân với bạn cùng lớp là Đinh Thị Thiết. Người bạn này nhiều năm qua luôn bên cạnh, giúp đỡ em vệ sinh cá nhân, chải tóc, thay áo quần, nấu ăn... khi ở nội trú. Thiết bảo: "Em may mắn sinh ra được lành lặn, nên giúp bạn được gì thì em giúp".
Khi mới vào lớp 10, nhà trường đề nghị đóng một cái bàn riêng giúp H'Lanh thuận tiện trọng việc ghi chép bài. Nhưng em không đồng ý, muốn ngồi chung bàn với các bạn. Vì vậy dãy bàn bốn người thầy cô chỉ cho ba học sinh ngồi, dành một chỗ trống cho em H'Lanh xoay chân chép bài.

12 năm qua, Thiết luôn giúp đỡ bạn vệ sinh cá nhân, chải tóc, thay áo quần. Ảnh: Trần Hóa.
Chiều muộn giữa tháng 11, khi tiếng trống trường vang lên, Thiết vội vàng dọn dẹp sách vở bạn vào cặp mình, rồi cả hai đi bộ về phòng ở khu tập thể giáo viên cách trường khoảng 500 m. Nơi các em trọ học gần ba năm qua. Cứ ba tuần là bố mẹ lên trường đón các em về thăm nhà một lần. "Nhưng đã gần một tháng nay không thấy ai lên. Chắc cả nhà đang bận thu hoạch mì", H'Lanh nói.
Trong căn phòng ẩm thấp, tối om, muỗi bay vo ve. Trên bếp gas một nồi cơm trắng vẫn còn nguyên, "chút nấu gói mì nữa là có bữa tối", Thiết vừa nói vừa luôn tay dọn dẹp. Khi nghe bạn nhờ buộc lại tóc, thay áo quần, Thiết bỏ dở việc chạy đến giúp. Hai em chia sẻ, hiện chưa biết ước mơ làm gì "nhưng sau này muốn tự tay kiếm tiền nuôi bản thân và phụ giúp bố mẹ".
Cô Lê Thị Hải Châu, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A8 đánh giá, H'Lanh bị khuyết tật nhưng ý thức học tập tốt, rất chăm chỉ. Trong các hoạt động ngoại khóa của trường, lớp em luôn có mặt đầy đủ.
H'Lanh viết bằng chân đã khá thành thạo, nét chữ đẹp không thua kém mấy bạn trong lớp. Chỉ khi sử dụng thước kẻ vẽ hình thì hơi khó khăn đối với em. "Lúc ấy, Thiết luôn là người ở bên cạnh giúp đỡ. Tình bạn của hai người học trò này khiến cả trường mến phục", cô Châu cho hay.
"Tuy học lực H'Lanh chưa cao, nhưng đó là tấm gương về nghị lực mà hơn 1.000 học sinh trong trường phải học tập", thầy Nguyễn Đình Thuận, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, nói.
Nữ sinh viết bằng chân. Video: Trần Hóa.
Do nhà các em cách trường hơn 20 km, thầy Thuận đã bố trí một căn phòng khu tập thể giáo viên cho H'Lanh, Thiết trọ học và hỗ trợ tiền ăn hàng tháng. "Tôi hy vọng sau khi ra trường, có cơ sở đào tạo nghề nào cho người khuyết tật tiếp nhận để em ấy có một công việc phù hợp, tự nuôi bản thân", thầy Thuận chia sẻ.
Trần Hóa