Thứ ba, 14/7/2020, 11:00 (GMT+7)

Khởi đầu với vị trí lập trình viên Ngô Thu Huyền vươn tới vị trí Trưởng một văn phòng tại Nhật Bản của FPT Software có doanh số triệu USD.

Sinh năm 1990, Ngô Thu Huyền sinh sống và làm việc tại Nhật Bản 8 năm. Làm việc với nhiều khách hàng lớn mang phong cách cẩn trọng của người Nhật, Huyền gây dựng văn phòng FPT Software Fukuoka và lọt top 100 nhân viên xuất sắc của công ty quy mô 16.000 nhân sự.

Tốt nghiệp trường lập trình Aptech năm 2010, Ngô Thu Huyền vào làm việc tại FPT Software ở vị trí lập trình viên. Dự án đầu tiên Huyền tham gia làm việc với một khách hàng Nhật Bản. Sau đó, lập trình viên 9X tiếp tục học để trở thành kỹ sư cầu nối của công ty làm việc tại đất nước mặt trời mọc.

Đến Nhật Bản, ban đầu Huyền lại bị khớp vì khối lượng công việc lớn và cách giao tiếp với người bản xứ. Đã có lúc, cô gái trẻ nghĩ đến việc quay trở lại Việt Nam. Nhưng bị hấp dẫn với ngành Công nghệ thông tin (CNTT), ngôn ngữ lập trình chỉ có đúng và sai, Huyền quyết tâm ở lại.

Sau giờ làm việc, Huyền trau dồi tiếng Nhật và liên tục học những chứng chỉ phục vụ công việc. Ngoài vai trò kỹ sư cầu nối, Huyền thường xuyên tham gia làm việc trực tiếp với khách hàng, thuyết phục khách hàng mới. Nhờ đó mà khả năng giao tiếp, năng lực chuyên môn của cô ngày càng khá lên.

Dấn thân vào làm việc với khách hàng, Huyền nhận ra điểm thú vị của ngành kinh doanh. Công việc này đòi hỏi phải hiểu sản phẩm rõ nhất để thể thuyết phục khách hàng, khả năng giao tiếp, hiểu tâm lý người đối diện.

Với lợi thế là một lập trình viên, Huyền am hiểu chuyên môn. Kết hợp với khả năng giao tiếp khéo léo, cô có thể truyền cảm hứng cho khách hàng khi phải diễn giải ngôn ngữ công nghệ trừu tượng. Huyền cũng giỏi thuật ngữ chuyên ngành, và giải thích từ tiếng Anh sang tiếng Nhật để khách hàng nắm bắt được công việc. Biết người Nhật tỉ mỉ, cẩn thận trong mọi chi tiết, khi làm bất cứ công việc gì Huyền cũng tập trung cao độ.

Vừa học vừa làm, Huyền "say" việc. Một ngày bắt đầu vào 8 giờ sáng và kết thúc vào 2 hoặc 3 giờ sáng hôm sau, có những ngày họp với khách từ 5 đến 7 cuộc rồi về văn phòng trả lời 300 lá thư điện tử. Nhiều cái Tết Nguyên Đán, Huyền vắng bóng trong mâm cơm tất niên, tân niên cùng bố mẹ.

Sau 6 năm làm việc ở vị trí kỹ sư cầu nối, Huyền một lần nữa quyết định mạo hiểm, nhận trách nhiệm phát triển văn phòng công ty tại Fukuoka - thành phố cách Tokyo 1.000km với hai người đồng nghiệp hỗ trợ.

Là người "khai hoang", Huyền cùng cộng sự vấp phải sự dè dặt của những đối tác mới. Cô gái sinh năm 1990 cũng thiếu thông tin về hoạt động kinh doanh của khách hàng. Huyền và hai cộng sự phải kiêm nhiệm tất cả các công việc để tiếp cận khách hàng từ kỹ thuật, marketing đến chăm sóc khách hàng...

Những khi quá nản chí, Huyền nghĩ lại năm 18 tuổi mình từng trượt Đại học ngành kinh tế, tay trắng trước cánh cửa vào đời. Lúc đó, cô quyết định học CNTT tại trường trung cấp, bất chấp sự phản đối của gia đình, định kiến xã hội. Những ngày đầu theo học CNTT, Huyền hoang mang vì không bắt nhịp được với lớp. Nhưng vì trách nhiệm với lựa chọn của mình, cô quyết tâm, vùi đầu vào những dòng code đầu tiên, cố gắng gấp hai, ba lần và tự mày mò học trực tuyến. Nhớ về sự can đảm trong quá khứ, Huyền đứng dậy, xác định bắt đầu từ con số không và làm việc quên ăn ngủ, tận dụng mọi mối quan hệ, nguồn thông tin để tiếp cận khách hàng.

Sau ba năm, văn phòng do Huyền phụ trách đã mang về cho công ty những khách hàng triệu đô, năm 2019 đạt mức tăng trưởng 216% so với năm trước. Fukuoka trở thành một trong 10 văn phòng, chi nhánh quan trọng của FPT Software tại thị trường Nhật Bản hướng đến mục tiêu đưa FPT Software đứng trong Top 30 công ty CNTT hàng đầu tại thị trường này.

Nhìn lại chặng đường sống và làm việc tại Nhật Bản, Huyền thấy mình trưởng thành, bản lĩnh hơn. "Người Việt ở nước ngoài có rất nhiều cách để đóng góp cho đất nước, có người xây những công trình cộng đồng với vốn đầu tư khủng hay tổ chức hoạt động từ thiện, cũng có không ít người ngày đêm cố gắng tạo cơ hội việc làm cho đồng hương nơi trời Tây... Song với tôi, khát vọng lớn nhất là mang sản phẩm, thương hiệu Việt ra thế giới", Huyền chia sẻ.

Nguyễn Lê