Nghệ sĩ Hoàng Yến. |
- Đã mấy năm nay bà ít xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, phải chăng bà định nghỉ dưỡng sức để chờ một vai diễn độc đáo?
- Không phải đâu. Năm nay, tôi đã 70 tuổi rồi, tôi về hưu năm 59 tuổi. Cũng có vài lần đạo diễn đưa kịch bản đến nhưng tôi không dám nhận nữa. Tôi hay mất ngủ. Vũ trường lại ở sát vách nhà tôi, các loại trống to nhạc mạnh, dồn dập có khi đến 2h sáng. Khi ông nhà tôi mất, gia đình tôi chuyển từ số 10 Phùng Hưng về đây sống. Thỉnh thoảng tôi cũng đi đóng phim nhưng chỉ để tìm lại sự cân bằng trong cảm xúc mà thôi.
- Từ một Hoàng Yến đóng phim bà lại trở thành khán giả, bà có cảm thấy bị xáo trộn nhiều?
- Một chút. Chẳng hạn như mỗi khi có vai diễn tôi lại khăn gói theo đoàn một tuần, thậm chí một tháng. Đọc thuộc lời thoại và hóa thân vào nhân vật. Còn trở về cuộc sống đời thường tôi lại hòa vào nhịp sống của những người dân trong khu phố. Sáng sớm tập thể dục quanh hồ Thiền Quang rồi đi ăn sáng, sau đó về chơi đùa với đứa cháu nội.
- Để khán giả nhớ đến các vai diễn của mình, bà phải mất 50 năm để khẳng định mình, giờ đây bà nhận xét gì về các diễn viên, nghệ sĩ trẻ?
- Tôi thì chẳng dám khen chê gì vì bây giờ lớp trẻ tiến bộ hơn chúng tôi ngày xưa nhiều lắm. Tuy nhiên, căn bệnh mà rất nhiều nghệ sĩ trẻ mắc phải là bệnh ngôi sao. Các em thậm chí huyễn hoặc mình khi thể hiện vai diễn, hoặc có thể là không thèm đọc kỹ kịch bản, dẫn tới tình trạng lúng túng trong diễn xuất. Là một khán giả, tôi thấy không vui khi xem những bộ phim mà đồng nghiệp diễn dở quá.
- Cũng với vai trò một khán giả, bà nghĩ sao khi một diễn viên xuất hiện quá nhiều trên truyền hình?
- Điều đó thật khó nói. Nhưng công bằng mà nhận xét thì diễn viên xuất hiện quá nhiều lần trên truyền hình mà không có một cách thể hiện vai diễn "độc đáo" gây ấn tượng lạ thì sẽ làm cho khán giả nhàm chán. Là khán giả cũng khó đấy, vì họ đâu có quyền chọn phim và diễn viên họ thích.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)