Gần đây, dư luận đã có rất nhiều ý kiến bàn đến vấn đề dự báo thời tiết ở nước ta hiện nay, trong đó phần lớn là những lời chỉ trích dự báo sai, dự báo khống. Tôi cũng cảm thấy rất buồn khi những bản tin dự báo đưa ra gần đây không được chính xác lắm. Nhưng buồn hơn nữa khi thấy hầu hết các bài viết chỉ biết nhìn từ một phía mổ xẻ những vết thương trong các bản tin dự báo.
Là bạn của một nhân viên dự báo thời tiết, tôi thực sự cảm thông cho những khó khăn của anh cùng những đồng nghiệp như anh. Họ cũng là những công nhân viên chức ăn lương nhà nước giống tôi, nhưng tôi làm ngày còn họ thì làm cả ngày lẫn đêm.
Sáng sớm, đúng 6h anh dắt xe ra khỏi nhà để lên cơ quan. Tôi hỏi anh vì sao làm nhà nước mà anh đi sớm như vậy, anh bảo phải đến sớm để còn kịp cập nhật tình hình thời tiết, chuẩn bị cho bản tin dự báo lúc trưa. Trưa tranh thủ nghỉ ngơi được chốc lát anh lại xoay vào bản tin dự báo cho buổi tối.
16h30, làm xong việc anh thu xếp về nhà với gia đình. Tưởng rằng cũng giống như tôi, xong việc rồi thì tối về nghỉ ngơi và đoàn tụ bên gia đình. Nhưng anh thì không, tranh thủ được vài tiếng thu xếp xong công việc ở nhà, anh lại lên cơ quan thức đêm để làm tin buổi sáng. Ngày hôm sau anh được nghỉ ở nhà để bù cho buổi làm đêm. Nhưng những ngày nghỉ đó anh đâu cho phép mình được nghỉ ngơi. Ngồi nhà nhưng anh vẫn tự mình nghiên cứu, tìm tòi để đúc kết cho kinh nghiệm của bản thân.
Anh trăn trở: "Để ra một mẩu tin dự báo 5 phút chiếu trên tivi, chúng tôi phải làm rất nhiều việc, nghiên cứu rất nhiều vấn đề. Bài toán dự báo không đơn giản như phép toán 1 + 1 = 2. Ví như dự báo mưa, 50% tin tham khảo cho rằng ngày mai mưa, 50% còn lại cho rằng ngày mai nắng. Vậy kết quả dự báo dựa trên tham khảo = 0, lúc đó phải cần đến kinh nghiệm của con người. Và dĩ nhiên, phán đoán dựa trên kinh nghiệm vẫn có sai số là chuyện đương nhiên".
Ngẫm lại lời anh nói và dõi theo tin tức dự báo cơn bão số 10 vừa qua tôi không hề ngạc nhiên khi thấy dự báo nước mình sai. Các nước có công nghệ dự báo tiên tiến trên thế giới như Nhật, Hong Kong, Mỹ đều cho rằng, cơn bão đi xuyên qua Việt Nam và vẫn mạnh ngay cả khi đã sang đến Vịnh Thái Lan. Dự báo của ta cũng sai như vậy.
Như thế cái sai biến thành bài toán khó cần xem xét lại, không chỉ dành riêng cho các nhà khí tượng học Việt Nam mà còn là bài toán khó đối với cả thế giới. Chúng ta không nên chỉ trích dự báo sai, bởi nếu là ta, liệu có giải được bài toán ấy?
Trước sự biến đổi ngày càng nghiêm trọng của khí hậu toàn cầu hiện nay, những bài toán khó như trận mưa lịch sử ở Hà Nội vừa qua hay cơn bão số 10, sẽ vẫn còn tiếp tục và có khi còn khó hơn thế nhiều. Chúng ta ngồi một chỗ trách móc các nhà khí tượng yếu kém không dự báo được thì liệu có ích gì trong việc thúc đẩy bài toán được giải nhanh hơn không?
Bản thân tôi nghĩ rằng, chúng ta nên dốc hết sức mình làm thật tốt công việc, giữ ý thức trong việc bảo vệ trái đất để góp phần làm giảm đi những thiên tai, bão lũ... Và bên cạnh đó, động viên, cổ vũ các nhà khí tượng ngày đêm làm việc, nghiên cứu để đưa ra những bản tin dự báo với độ chính xác ngày càng cao hơn.
Mọi người phải cùng nhau đoàn kết, thống nhất thì mới hy vọng trị được những căn bệnh ngày càng tai quái của thiên nhiên.
Tôi hy vọng bài viết này sẽ làm xoa dịu đi những sức ép mà dư luận đã gây ra cho những người làm dự báo thời tiết trong những ngày qua, những dư luận mà không đáng phải làm căng đến vậy.