Tham dự buổi đối thoại về phòng, chống tham nhũng có đại biểu đến từ hơn 20 nước, đại diện Ngân hàng thế giới, Tổ chức phát triển Liên hiệp quốc... Theo đại diện Đại sứ quán Phần Lan, cơ quan này vừa hoàn tất nghiên cứu đánh giá về việc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam tại 9 tỉnh, thành. Kết quả cho thấy, chống tham nhũng ở Việt Nam đang chùng xuống.
Các đại biểu tham dự cuộc đối thoại. Ảnh: Xuân Tùng. |
Giải đáp vấn đề trên, ông Vũ Tiến Chiến, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng cho rằng, khi mới thành lập Ban chỉ đạo trung ương, nhiều vụ tiêu cực từ các năm trước đã được đưa ra ánh sáng. Giai đoạn sau này việc phòng chống tham nhũng đi vào chiều sâu, tập trung xây dựng các thể chế, quy phạm pháp luật.
Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cũng cho rằng, nói chống tham nhũng trùng là do cách tiếp cận thông tin chưa đầy đủ. So với các năm trước, số vụ việc Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng triển khai ít hơn nhưng do làm sâu, kỹ nên đã phát hiện nhiều tiêu cực.
"Rất khó nói tham nhũng hiện nay tăng hay giảm bởi phải có cơ sở, thang bảng để đánh giá. Có lẽ do một số vụ án có tính phức tạp, phải xử lại nhiều lần gây hiểu lầm là việc chống tham nhũng chùng xuống", ông Truyền nói. .
Tổng thanh tra Chính phủ khẳng định, người nào có chức, quyền lớn nếu phát hiện sai phạm sẽ xem xét và xử lý đúng pháp luật. Bằng chứng là một số quan chức cấp Bộ đã bị xử lý.
Đại biểu chia sẻ tại giờ giải lao. Ảnh: Xuân Tùng. |
Khẳng định công cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ nhưng đại diện cho Thụy Sĩ mong muốn tăng cường hơn nữa vai trò của người dân và báo chí.
Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Đỗ Quý Doãn khẳng định, Chính phủ Việt Nam đánh giá rất cao vai trò của báo chí trong việc phòng chống tham nhũng. Qua thông tin về tham nhũng trên báo chí nhiều vụ việc đã được phanh phui. "Sắp tới khi sửa đổi Luật Báo chí chúng tôi sẽ chú ý đến việc phát huy vai trò khách quan, độc lập của báo chí", ông Doãn nói.
Xuân Tùng