Con của bà, Sandra Lambryczak, nhận ra theo luật, họ không được di chuyển cho đến bác sĩ đến nhà chứng tử. Nhưng việc thiếu hụt nhân sự đôi khi khiến các gia đình phải giữ người thân quá cố ở nhà trong nhiều giờ hoặc thậm chí nhiều ngày.

Sandra Lambryczak tại Douai. Ảnh: NYTimes.
"Thưa bà, không có ai làm việc vào cuối tuần, không có bác sĩ", nhân viên phản ứng khẩn cấp nói với Lambryczak. "Không thể thế được. Chúng tôi không thể để thi thể như thế cho đến sáng thứ hai", bà đáp.
Bà tắt máy sưởi và mở cửa sổ. Cảnh sát đến, theo sau là thị trưởng Monchecourt nhưng họ không tìm được bác sĩ. Nửa ngày sau, Lambryczak mới tìm được một bác sĩ và họ được phép đưa thi thể đến nhà tang lễ. Lambryczak cho biết bà vẫn bị mất ngủ vì chuyện đã xảy ra. "Đúng là một cơn ác mộng", bà nói.
Tình trạng chờ đợi mòn mỏi đó xảy ra ngày càng nhiều ở xung quanh Douai, thành phố 40.000 người ở miền bắc nước Pháp, và ở các khu vực khan hiếm bác sĩ khác. Một tờ báo địa phương tóm tắt tình hình trong một tiêu đề: "Không nên qua đời ở nhà vào cuối tuần".
Tại các quốc gia khác như Mỹ, y tá, nhân viên điều tra tai nạn, nhà bệnh lý học và các quan chức khác có thể chứng tử. Nhưng ở Pháp, nơi 1/4 dân số qua đời tại nhà, chỉ bác sĩ được đảm nhiệm vai trò này. Họ phải đến nhà, xác nhận người thân của gia đình qua đời vì tuổi già hay bệnh tật và ghi lại nguyên nhân.
Đó là hệ thống hoạt động tốt vào thời Pháp có nhiều bác sĩ đến tận nhà để khám bệnh. Nhưng hiện nay, khi một số khu vực thiếu hụt trầm trọng bác sĩ đến mức chúng được đặt biệt danh "sa mạc y tế", yêu cầu này gây ra nhiều rắc rối.
Khoảng 8% dân số Pháp sống trong "sa mạc y tế". Mặc dù tổng số bác sĩ ở Pháp đang tăng, họ chỉ tập trung ở các khu vực đô thị. Douai và phần còn lại của miền bắc nước Pháp đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế, giảm số lượng nhà máy và khai thác mỏ trong vài thập kỷ gần đây.
"Tình hình ở Douai đang trở nên đáng lo ngại", Thị trưởng Douai Frédéric Chéreau nói. Mặc dù Douai không được coi là "sa mạc y tế", ngày càng nhiều bác sĩ ở đây đến tuổi nghỉ hưu và không có đủ người thay thế.

Vị trí của Douai. Ảnh: NYTimes.
Năm 2017, hai bác sĩ cuối cùng tại thị trấn 4.500 dân Laigneville nghỉ hưu. Năm đó, Laigneville thông qua luật cấm cư dân qua đời tại nhà sau khi hai gia đình phải chờ đợi lâu trong cái nóng mùa hè. Động thái này nhằm gây áp lực để cơ quan y tế quốc gia điều bác sĩ đến thị trấn nhưng cuối cùng không có bác sĩ nào đến, thay vào đó, một trung tâm hỗ trợ y tế từ xa được thiết lập.
Một nửa số bác sĩ gia đình ở Pháp đã trên 55 tuổi. Một làn sóng nghỉ hưu lớn sẽ đến trong thập kỷ tới. Chính phủ Pháp đang cố gắng tăng số lượng bác sĩ bằng cách loại bỏ giới hạn số lượng sinh viên y khoa vào năm tới và điều các bác sĩ trẻ đến các khu vực thiếu nhân sự. Nhưng các biện pháp này sẽ không có tác động nhanh chóng, các bác sĩ trẻ đang tiếp tục chọn chuyên khoa thay vì đa khoa nên họ thường làm việc trong các bệnh viện lớn ở đô thị thay vì về địa phương.
"Rất khó thu hút bác sĩ đến 'sa mạc y tế' vì những khu vực này còn thiếu nhiều dịch vụ khác", Marc Vogel, phó chủ tịch Hội đồng Y khoa Pháp tại Nord, nói.
"Sa mạc y tế đôi khi đúng như sa mạc", ông nói. "Ở nơi không có bưu điện, ngân hàng hay trường học thì thật khó để có một bác sĩ".
Kể từ năm 2017, Pháp đã trả 100 EUR (110 USD) cho các bác sĩ chứng tử vào ban đêm, cuối tuần, ngày lễ hoặc ở các khu vực thiếu nhân sự. Nhưng các quan chức y tế và chính phủ cho biết chính sách này có hiệu quả hạn chế.
Các chính trị gia cho rằng nên cho phép những nhân viên y tế khác chứng tử nhưng các bác sĩ phản đối điều này. Họ cho rằng đây là một thủ tục y tế quan trọng và sai lầm trong việc xác định nguyên nhân cái chết có thể gây ra hậu quả pháp lý.
Truyền thống cũng là yếu tố khiến khó có thay đổi. Quy trình chứng tử của bác sĩ đã có gốc gác từ thời xa xưa. "Ai là người chứng tử khi thành viên hoàng gia qua đời? Đó là bác sĩ của nhà vua", Olivier Bouchy, phó chủ tịch Hội đồng Y khoa Pháp ở Meuse, nói.
Tại Pháp, nhà nước có vai trò lớn trong việc hỗ trợ cuộc sống hàng ngày của người dân. Vì vậy, việc thiếu bác sĩ, đặc biệt là vào thời điểm đang đau buồn khi một thành viên trong gia đình qua đời, khiến người dân cảm thấy bị phản bội.
"Chúng tôi cảm thấy bị nhà nước bỏ rơi", Frédéric Deleplanque, người đã phải chờ hơn hai ngày để bác sĩ xác nhận cái chết của cha vợ Jean-Luc Bajeux, nói. "Chúng tôi chẳng là gì cả".
Vào một sáng thứ bảy đầu năm nay, bố vợ Deleplanque qua đời vì bệnh nặng tại căn hộ ở Douai. Deleplanque tắt máy sưởi và tivi rồi gọi cho nhân viên phản ứng khẩn cấp trên điện thoại.
"Anh ấy bảo tôi chạm vào bố vợ để xem có chắc chắn ông đã qua đời không", Deleplanque kể. "Tôi nói rằng bố tôi đã mất nhưng anh ta khăng khăng bắt tôi làm vậy. Vì vậy, tôi chạm vào ông ấy, người ông ấy đã lạnh".
Nhưng cuối cùng không có bác sĩ nào đến. Cảnh sát và lính cứu hỏa đến căn hộ nhưng không thể giúp ông tìm bác sĩ.
Vào sáng thứ hai, khi thi hài bắt đầu phân hủy, ông gọi cảnh sát một lần nữa. "Tôi nói với họ nếu các anh không làm gì thì tôi sẽ để thi hài ra giữa đường".
Cuối cùng, ông tìm được bác sĩ từng điều trị cho cha vợ nhiều năm trước. Bác sĩ đến và ký giấy chứng tử, bố vợ ông được hỏa táng vào ngày hôm sau.
Sự chậm trễ cũng gây ra rắc rối cho các nhà tang lễ. Michel Tomczyk, chủ nhà tang lễ Tomczyk-Delebury ở Douai, cho biết ông đã xử lý trường hợp một thanh niên chết vì đau tim được phát hiện trong tư thế nằm úp sấp ở sàn nhà tại căn hộ vào một ngày thứ bảy. Thi hài được giữ nguyên tư thế cho đến khi gia đình tìm thấy bác sĩ vào thứ hai tuần sau đó, khiến họ buộc phải tổ chức tang lễ với quan tài kín (quan tài không để mở nên người đến viếng không thể nhìn người quá cố lần cuối).
"Cha mẹ cậu ấy không thể làm đám tang cho con theo cách thông thường", ông nói.
Phương Vũ (Theo NYTimes)