Vừa chân ướt chân ráo đăng quảng cáo cho khu nghỉ dưỡng trên một website nổi tiếng, chị Lan Anh - nhân viên PR ngã ngửa khi biết tin banner bị gỡ xuống. Tìm hiểu mới hay Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn yêu cầu thực hiện nghiêm quy định niêm yết giá hàng hóa bằng nội tệ và thu hẹp đối tượng được niêm yết bằng ngoại tệ. Khu nghỉ dưỡng không nằm trong nhóm 5 đối tượng được niêm yết giá bằng ngoại tệ.
Tính trung bình mỗi banner quảng cáo mất 15 triệu đồng mỗi tháng. Nếu banner phải thiết kế lại, chi phí cũng đội thêm trên dưới 10 triệu. “Chỉ riêng quảng cáo trên một phương tiện truyền thông đã mất gần 30 triệu. Công ty tôi quảng cáo trên 4 tờ báo, mất hơn 100 triệu”, chị Lan Anh kêu trời.
Một công ty truyền thông có tiếng tại Hà Nội còn thiệt hại nhiều hơn. Chỉ trong vòng hai ngày cuối tuần trước, công ty phải hạ 20 banner niêm yết bằng ngoại tệ của khách hàng. Nếu vì chuyện này mà khách hàng hủy hợp đồng, công ty truyền thông này sẽ bị lỗ hơn 300 triệu đồng mỗi tháng.
![]() |
Các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng chấp hành nghiêm túc việc niêm yết giá bằng nội tệ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Điều 22 pháp lệnh Ngoại hối ban hành năm 2005 ghi rõ, không cho phép niêm yết giá bằng ngoại tệ trên thị trường Việt Nam. Cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành một loạt văn bản gửi tới các bộ ban ngành đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, công văn số 2878 đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin – Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng chỉ được thực hiện quảng cáo, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng đồng Việt Nam, trừ 5 đối tượng được quảng cáo, niêm yết giá bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam.
Bảo vệ đồng nội tệ và hạn chế hiện tượng đôla hóa là việc làm phổ biến ở các nước trên thế giới. Khi có yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp đều đôn đáo thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, các công ty kinh doanh mặt hàng lớn, đặc biệt là doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho người nước ngoài đang gặp khó khăn khi thực hiện yêu cầu này.
Tiêu biểu trong số này phải kể đến các hãng lữ hành, hàng không, khách sạn... Mỗi lần thông báo giá cho đối tác nước ngoài, doanh nghiệp phải giải thích nhiều hơn về chuyện quy đổi từ ngoại tệ sang tiền Việt. Người bán và người mua phải thường xuyên đàm phán lại nếu tỷ giá biến động.
Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc hãng Golden Tour cho hay, niêm yết cố định bằng nội tệ, trong khi đối tác nước ngoài thường giao dịch bằng USD, nếu tỷ giá biến động, doanh nghiệp sẽ chịu nhiều rủi ro. Giả sử một tour Vietnam - Singapore có chi phí 500 USD, tại thời điểm báo giá cho khách, mỗi USD tương đương 17.000 đồng, cả gói tour trị giá 8,5 triệu. Nhưng tới lúc thanh toán, USD lên 17.500 đồng, doanh nghiệp sẽ lỗ 250.000 đồng mỗi khách. Chỉ cần 100 khách hàng, doanh nghiệp sẽ lỗ 25 triệu đồng.
“Để nguyên giá như quảng cáo thì doanh nghiệp lỗ, báo giá lại thì bị mang tiếng lừa đảo, quảng cáo một đằng bán một nẻo. Chúng tôi cũng không biết tính sao nữa”, ông Dũng băn khoăn.
Chị Hoàng Thùy Linh, phòng tiếp thị Sài Gòn Tourist, cho biết, mỗi ngày hãng có 100 tour, nhân viên đều phải cập nhật liên tục tỷ giá của đồng nội tệ trên trang web. Trước kia, chi phí cho mỗi tour được niêm yết bằng tiền USD, khách hàng đổi ra nội tệ ngay tại thời điểm thanh toán. Niêm yết bằng tiền Việt khiến nhiều khách nước ngoài không tham chiếu so sánh, không hiểu mức chi phí đó là đắt hay rẻ.
"Khi niêm yết giá tour du lịch bằng nội tệ trên báo chí và website, chúng tôi phải so sánh thời điểm từng hợp đồng để bộ phận tour báo lại giá cho khách hàng. Đối với các chuyến nội địa thì không sao, nhưng chuyến du lịch sang nước ngoài thì rối tung”, chị Linh nói.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ thực thi đúng quy định của pháp luật do nghe thông tin từ báo chí mà chưa nhận bất cứ một hướng dẫn nào từ phía Ngân hàng Nhà nước. Truy cập vào website của các khách sạn, nhà hàng cao cấp, hãng hàng không, giá bằng ngoại tệ vẫn được niêm yết tràn lan. Một doanh nghiệp cho hay, gọi điện đến đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước, chỉ nhận được câu trả lời: “Cứ thực hiện nghiêm quy định. Có thắc mắc thì làm đơn kiến nghị".
Ông Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội, cho rằng, niêm yết giá bằng nội tệ thể hiện sự tôn trọng đồng tiền Việt, tránh hiện tượng đôla hóa và tạo cảm giác yên ổn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên đối với một số doanh nghiệp phục vụ khách hàng là người nước ngoài lại gặp nhiều khó khăn. Niêm yết bằng nội tệ chủ yếu đánh vào tâm lý người tiêu dùng còn đối với nhà đầu tư, điều này chỉ mang tính chất hình thức. Bởi thực tế, doanh nghiệp vẫn giao dịch bằng ngoại tệ với khách hàng và đối tác.
Theo ông Phong, niêm yết quảng cáo bằng đồng nội tệ chỉ nên áp dụng với các doanh nghiệp phục vụ người trong nước. Doanh nghiệp phục vụ đối tượng khách nước ngoài, Nhà nước nên linh động. “Tôi cho rằng, có thể niêm yết tỷ giá mỗi USD tương đương với bao nhiêu tiền Việt để khách hàng có điều kiện tham chiếu. Chỉ nên nghiêm cấm trong trường hợp doanh nghiệp trao đổi tỷ giá ở chợ đen. Đối với các doanh nghiệp phục vụ khách nước ngoài, cần chính sách linh động”, ông Phong nói.
Trao đổi với VnExpress.net, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Hồ Hữu Hạnh cho biết, điều 22 Pháp lệnh ngoại hối và điều 29 Nghị định 160 của Chính phủ đã quy quy định, mọi giao dịch thanh toán niêm yết của người cư trú trên lãnh thổ Việt Nam không được thực hiện bằng ngoại tệ mà phải bằng tiền đồng, trừ giao dịch với tổ chức tín dụng, xuất khẩu, nhà đầu tư nước ngoài...
"Trước đây, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định để kiểm soát giao dịch ngoại tệ ở chợ đen song nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tuân thủ đúng quy định. Công văn mới đây của Ngân hàng Nhà nước sẽ giải quyết được triệt để vấn đề, chấm dứt tình trạng giao dịch chợ đen lộn xộn. Các cá nhân tổ chức phải tự tìm hiểu các thông tư, nghị định, văn bản pháp luật liên quan thông qua phương tiện truyền thông đại chúng. Ngân hàng Nhà nước không thể đi vào từng trường hợp cụ thể để hướng dẫn được", ông Hạnh nói.
Theo ngân hàng Nhà nước, 5 đối tượng dưới đây được niêm yết, quảng cáo bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam: 1. Tổ chức tín dụng được phép và các tổ chức khác được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối. 2. Tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế, cung ứng dịch vụ ở khu cách ly, tại các cửa khẩu quốc tế, kinh doanh kho ngoại quan. 3. Cơ quan hải quan, công an cửa khẩu tại các cửa khẩu quốc tế và kho ngoại quan, được nhận ngoại tệ từ người không cư trú đối với các loại thuế, phí thị thực xuất nhập cảnh, hoặc phí cung ứng dịch vụ. 4. Cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự được thu phí thị thực xuất nhập cảnh và các loại phí, lệ phí khác bằng ngoại tệ. 5. Các tổ chức được ngân hàng Nhà nước cho thu ngọai tệ (Tổ chức phải xuất trình văn bản cho phép của ngân hàng Nhà nước). |
Hoàng Lan