Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng. Ảnh: Tiến Dũng.
- Theo đánh giá của ông những vấn đề gì chúng ta có thể minh bạch để chống tham nhũng nhưng vẫn chưa thực hiện được?
- Chủ trương phòng chống tham nhũng đến năm 2020 đã đặt ra việc giảm thiểu tối đa những quy định bí mật nhà nước, bí mật công nghệ, bí mật nghề nghiệp. Trong thực tế, cũng có một số cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lợi dụng cái gọi là bí mật để không cung cấp thông tin về hoạt động. Nhưng theo Luật Phòng chống tham nhũng, các cơ quan, đơn vị phải công khai về mặt tổ chức, hoạt động. Ví dụ, Thanh tra Chính phủ phải công khai các kết quả thanh tra, khiếu nại, giải quyết tố cáo hoặc các hoạt động khác như xây dựng thể chế...
Vậy nên cần phải sửa đổi hệ thống văn bản về bí mật nhà nước. Cái nào thực sự làm phương hại đến an ninh quốc gia (nếu thông tin đó bị lộ), ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, có tác dụng ngược tới xã hội thì không công khai. Kinh nghiệm thế giới cho thấy càng công khai, càng minh bạch thì tham nhũng sẽ giảm.
- Ông đánh giá thế nào về Nghị định 68 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37 về minh bạch tài sản, thu nhập, trong đó bổ sung quy định công khai Bản kê khai tài sản thu nhập?
- Nghị định 68 tiến bộ một bước so với Nghị định 37 khi quy định công khai bản kê khai tài sản. Nhưng ở đây phải khẳng định là công khai có nguyên tắc bởi trong Luật Phòng chống tham nhũng có nói bản kê khai tài sản được lưu cùng hồ sơ cán bộ. Trong khi hồ sơ cán bộ lại thuộc về bí mật nhà nước. Chỗ này phải sửa để phù hợp.
Chính phủ cũng thể chế hóa quy định những người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải công khai thông tin tại đơn vị, cơ quan mà mình công tác. Còn hình thức công khai như thế nào thì do thủ trưởng đơn vị đó quyết định: thông báo trong cuộc họp hay niêm yết tại trụ sở cơ quan. Ví dụ, tôi công tác ở Thanh tra Chính phủ, nếu năm 2011 có biến động về tài sản, tôi phải kê khai bổ sung và công khai bản kê ấy.
- Khi cán bộ đã công khai bản kê khai tài sản tại cơ quan thì báo chí, người dân có được tiếp cận với thông tin này?
- Bản kê khai này chưa được công khai rộng rãi nhưng chúng ta đang từng bước tiến tới việc đó. Các cụ đã nói: "Một người thì kín, chín người thì hở". Khi đã công khai trong đơn vị, như cơ quan tôi có khoảng 200 người từ chuyên viên chính trở lên biết được tài sản của tôi thì có nghĩa là toàn xã hội biết vì không ai cấm được việc ông chuyên viên nói là ông này có cái nhà, ông kia có cái xe... Việc đó tự hiểu là sẽ lan tỏa, và đây là điểm Thanh tra Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng. Nếu Quốc hội đồng ý, lúc đó mọi người đều có thể tiếp cận bản kê khai tài sản.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng: "Người có chức vụ quyền hạn, tốt nhất là trung thực trong việc kê khai tài sản". Ảnh: Tiến Dũng.
- Theo ông tính xác thực của các bản kê khai tài sản đang ở mức nào?
- Nghị định 37 chưa xác định nguyên tắc về kê khai tài sản nên trong Nghị định 68 đã xác định nguyên tắc: tự kê khai và tự chịu trách nhiệm. 50 triệu đồng tiền mặt thì dễ đếm nhưng bức tranh bảo là 50 triệu hay 30 triệu đồng thì chắc sẽ cãi nhau. Vậy thì ai phải xác định đồ vật đó có giá trị 50 triệu đồng trở lên? Chính là người sở hữu nó. Trách nhiệm của người kê khai là phải giải trình với cơ quan quản lý. Nghĩa là kê khai thế nào để sau này cơ quan quản lý cán bộ dò lại thì phải giải trình được.
- Nghị định về kê khai tài sản có tính tới việc các quan chức chia nhỏ tài sản ra để đứng tên người khác trong gia đình hoặc gửi ở nước ngoài để tránh phải kê khai?
- Khi nghiên cứu, chúng tôi đã tính đến tình huống này. Ví dụ, ở nước ta quan chức thấy có rất nhiều tài sản nhưng bản kê khai thì rất ít vì tài sản đứng tên con ông ấy, mà con lại chưa thành niên. Trong suy nghĩ của chúng tôi, tới đây phải có đề xuất như thế nào để bịt được lỗ hổng này.
Còn về tài sản ở nước ngoài, cứ có là phải kê khai chứ không giới hạn ở mức 50 triệu đồng. Chúng ta là thành viên của công ước Liên hợp quốc nên không ngại việc không lấy được thông tin ở nước ngoài. Tôi cho là những người có nghĩa vụ phải kê khai, nếu có tiền, tài sản, đồ vật ở nước ngoài thì khôn ngoan nhất là phải kê khai bởi việc phát hiện rất dễ.
- Thưa ông, vừa qua có bao nhiêu trường hợp cán bộ kê khai gian dối bị phát hiện?
- Tôi nhớ là có trường hợp vi phạm nhưng chưa nhiều. Trước đây có một số người rất ngại kê khai tài sản và rất sợ công khai nhưng người quản lý không có chế tài xử lý. Tôi từng đến một tỉnh, lãnh đạo cho biết ở huyện có một người nhất quyết không nộp bản kê khai tài sản nhưng bảo xử lý ông ấy theo điều khoản nào thì lại không có. Lần này, trong Nghị định 68 đã có chế tài xử lý, hình thức kỷ luật cao nhất là mất chức.
Việc công khai bản kê khai tài sản chính là một phương thức kiểm soát sự trung thực. Người có chức vụ quyền hạn, giải pháp tốt nhất là trung thực trong việc kê khai tài sản.
Tiến Dũng ghi