"Có lần tôi đi xe điện lúc 5h sáng. Đến chở tôi là một chị gái nhỏ thó, bằng tuổi tôi. Chị ấy vừa nghỉ làm thu ngân ở siêu thị do chân không đứng được lâu, giờ ra chạy xe để thuận tiện đưa đón con.
Nhà chị có ba đứa trẻ, lớn nhất học cấp I, bé nhất 3 tuổi, chồng thì chỉ làm công việc tay chân thôi. Nhưng chị ấy hạnh phúc kể với tôi rằng gia đình thỉnh thoảng vẫn dắt díu nhau đi chơi xa, ít tiền thì gói ghém.
Chị kể bằng giọng vui vẻ, nhắc đến gia đình chị ấy hạnh phúc lắm. Nhìn vào gia đình tác giả, cũng không có gì là quá hoàn cảnh. Đừng để sau này mỗi lần nói về chồng thì vợ bạn đều thở dài".
Độc giả Đồng Dao chia sẻ chuyện một gia đình nhỏ, công việc lao động tay chân, thu nhập đủ sống nhưng vẫn gói ghém, dành dụm một khoản tiền để cùng nhau đi du lịch.
Chia sẻ này được viết sau tâm sự Vợ nằng nặc đòi đi du lịch dù gia đình không khá giả. Một độc giả chia sẻ rằng vợ chồng cưới nhau hơn mười năm, từ hai bàn tay trắng gây dựng sự nghiệp, hiện đã có nhà riêng và cuộc sống tạm ổn. Từ khi vợ chuyển sang công ty mới, thấy đồng nghiệp có điều kiện đi du lịch và sống thoải mái, vợ bắt đầu ghen tị và nói cạnh khóe vì chưa từng được đi du lịch.
Câu chuyện tài chính gia đình và du lịch xả stress thu hút nhiều độc giả thảo luận.
Độc giả Ha Trang cho rằng du lịch trong khả năng tài chính để cả gia đình được nghỉ ngơi không phải là vấn đề quá xa xỉ:
"Tôi nhiều lần chứng kiến cả gia đình nhỏ (đang ở trọ) dẫn nhau đi chơi biển, đi du lịch gần. Tùy theo điều kiện kinh tế mà chọn những điểm du lịch phù hợp, và cân đối ngân sách để cho vợ con được hưởng chút này chút kia.
Đừng nghĩ du lịch là cái gì đó quá lớn lao xa xỉ, nó chỉ là một chuyến đi chơi xa nhà, và cũng là thời gian để gia đình được nghỉ ngơi, xả stress, để con cái khám phá được nhiều điều mới mẻ.
Có khi nó chỉ tốn vài triệu đồng thôi chứ không quá xa xỉ như bạn nghĩ đâu. Đừng để già rồi mới đi, lúc đó cõng đóng tiền trên lưng nhưng chân tay không muốn bước nữa".
Độc giả nickname Ngaymaiankeo lấy ví dụ:
"Bây giờ nếu chịu khó tìm hiểu, thì chuyện đi du lịch không mắc mỏ lắm đâu. Ở Sài Gòn thì đi Vũng Tàu, Phước Hải, Hồ Tràm, hoặc lên Đà Lạt, Phan Thiết. Ở Hà Nội thì đi Ba Vì, Sầm Sơn...
Tour đi Nha Trang 3 ngày 2 đêm xuất phát từ Sài Gòn giá cũng chỉ 4 triệu đồng một người. Mỗi lần đi chơi không nhất thiết sang chảnh hay ăn ngon, mà vui vì có kỷ niệm và trải nghiệm.
Con tôi còn nhỏ và thích biển, nên năm nào tôi cũng cho bé đi Vũng Tàu ít nhất một chuyến, thuê khách sạn gần bãi biển, mỗi ngày chỉ có ăn, tắm biển, tắm hồ bơi, ngủ nhưng mà con tôi thích".
Chung nhận định, độc giả Ép thơm cà rốt không đường chia sẻ:
"Cưới nhau hơn 10 năm mà gia đình chưa đi du lịch lần nào thì hơi buồn thiệt. Cần gì đi những nơi xa xỉ, đắt đỏ. Sắp xếp đi 2 ngày cuối tuần cho gia đình 4 người (không thấy chia sẻ nhà có mấy người, nên tôi tạm tính như vậy).
Mỗi tháng bỏ ống heo để dành khoảng 800 nghìn đến 1 triệu x 12 tháng (chi mỗi người hơn 2-3 triệu) là được chuyến gần gần như Đà Lạt, Phan Thiết, Ninh Thuận rồi, hoặc xa hơn (3 ngày 2 đêm) thì đi Bình Hưng, Nam Du, Hòn Sơn, Phú Quý.
Hoặc không thì kết hợp những lần về quê dành ra ít thời gian đưa cả nhà đi chơi. Việc thì làm cả đời, tiết kiệm phòng thân, trả nợ nhưng cũng phải hưởng thụ để có sức làm tiếp. Quan trọng nữa là để con cũng biết đây đó với bạn bè".
Độc giả Lệ Tà:
"Người ta có điều kiện thì đi chơi xa, mình không có điều kiện thì đi gần thôi. Thật ra đi du lịch cũng không cao sang gì.Thay vì chỉ về quê thăm gia đình thì kết hợp đi thăm thắng cảnh ở quê cũng là một hình thức. Hoặc thay vì hai lần về quê thì mình về một lần còn một lần đi du lịch đâu đó.
Nói chung cần cân đối lại chi tiêu, vì chồng không chịu đi du lịch nên vợ mới dùng tiền 'lẽ ra' đi du lịch mua sắm. Mỗi người có mỗi sở thích, khi hàn vi có thể nhịn nhưng khi khá hơn thì phải đáp ứng nhu cầu của mình.
Cứ lên kế hoạch như đi đâu, kinh phí, mỗi tháng bỏ ra bao nhiêu... rồi triển khai thôi. Chứ làm việc tích lũy tiền để về già nằm viện hay đi viện dưỡng lão à?".
Hữu Nghị tổng hợp