Dịch chuyển sang xe điện là xu hướng toàn cầu, tại Việt Nam xe điện cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm. Trước khi là một giải pháp di chuyển thay thế bảo vệ môi, xe điện cũng cần đảm bảo được các yếu tố về môi trường có thể gây ra.
Dưới đây là các vấn đề và giải pháp được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Tổng cục Đo lường đưa ra trong buổi tọa đàm về định hướng phát triển xe điện tại Việt Nam do Báo Giao Thông tổ chức.
Xử lý pin khi hết vòng đời
Pin là một chất thải nguy hại do trong pin có chứa nhiều hàm lượng kim loại nặng như: chì, kẽm, thủy ngân. Đây đều là các kim loại có thể gây hại cho sức khỏe và môi trường. Quá trình phân hủy của pin cũng diễn ra lâu hơn và cần có một khu vực xử lý riêng để đảm bảo các yếu tố về an toàn.
Vì thế theo Thông tư số 36/2015 của Bộ TNMT về quản lý chất thải nguy hại, pin, ắc-quy được xếp vào nhóm chất thải cần bảo quản chặt chẽ trong toàn bộ quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý.
Người dùng cần chuyển pin cho nhà sản xuất hoặc đơn vị có chuyên môn xử lý, nhà sản xuất cần có trách nghiệm trong việc thu hồi và xử lý pin mà mình sản xuất cũng cấp cho xe hoặc cho thị trường.
Hiện nay, VinFast là hãng xe điện duy nhất tại Việt Nam, hãng cũng đã có phương án cho thuê pin và thu hồi lại pin khi xuống cấp thay vì bán thẳng pin cho khách hàng. Việc này cũng đảm bảo được các quy định mà nhà nước đặt ra về việc tái chế và xử lý pin và các chất thải nguy hại.
Bộ TNMT sẽ chủ động phối hợp với Bộ Giao Thông vận tải, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà sản xuất và các bên liên quan nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cho pin xe điện và các loại chất thải nguy hại khác. Tăng cường tuyên truyền cho người dân về tác hại của các chất thải này, đưa ra các hướng dẫn cụ thể về xử lý cho người dùng và nhà sản xuất.
Đảm bảo hệ thống lưới điện quốc gia
Theo chia sẻ của EVN, khi lượng trạm sạc tăng, lâu dài có thể sẽ xuất hiện nguy cơ ảnh hưởng tới vận hành lưới điện, tình trạng làm việc an toàn, ổn định của hệ thống điện, chất lượng điện năng, gây quá tải lưới điện khu vực nếu không có các giải pháp đối phó với các ảnh hưởng.
Theo tính toán của EVN, ví dụ nếu có 40.000 trạm, hệ thống lưới điện sẽ phải chịu thêm từ 100 cho đến vài trăm megawatt (MW). Nếu đầu sạc 11 kW, lượng điện tiêu thụ tương đương với công suất của hai tổ máy thủy điện (nhà máy thủy điện Hòa Bình công suất 240 MW gồm 8 tổ máy). Mức tiêu thụ này có thể tới 1 gigawatt (GW) nếu tất cả đầu sạc đều có công suất lớn. Với mức tiêu thụ điện trung bình của một hộ gia đình là 150 kWh/tháng, 1 GW có thể cung cấp điện cho hơn 6.000 hộ gia đình.
Các ảnh hưởng phổ biến liên quan tới chất lượng điện năng có thể gặp phải: mất điện, sụt áp ngắn hạn, nhiễu giao thoa điện từ, nhiễu giao thoa sóng radio...
Tuy nhiên, tập đoàn điện lực cũng xác định việc dịch chuyển sang sử dụng xe điện sẽ là điều tất yếu vì thế tập đoàn đưa ra các giải pháp để khắc phục. Các giải pháp này cần có sự bắt tay của cả các hãng sản xuất xe điện, và một số chế tài về luật để đảm bảo vận hành điện lưới quốc gia an toàn khi số trạm sạc tăng lên.
Theo EVN một số nước phát triển mạnh trạm sạc, đang áp dụng các cách để giảm tải cho lưới điện quốc gia như: các trạm sạc tăng cường thêm sạc thông minh (Smart Charging) cho phép dịch chuyển thời điểm sạc sang lúc thấp tải, với giá điện sạc rẻ hơn.
Về luật, nên có chế tài nên quy định đối với hệ thống quản lý trạm sạc thông minh, xây dựng hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới chuẩn bị hạ tầng tích hợp trạm sạc, đấu nối và vận hành trạm sạc xe ôtô điện.
Việt Nam cũng có thể áp dụng một số phương pháp của một số quốc gia phát triển mạnh xe điện như tăng cường thêm pin năng lượng mặt trời tại các trạm sạc và các nguồn điện thay thế như điện gió để giảm tải cho lưới điện quốc gia.
Hoàn thiện quy chuẩn quốc gia cho xe điện
Hệ thống quy chuẩn Việt Nam (QCVN) chưa có quy chuẩn kỹ thuật và an toàn cụ thể nào về tiêu chuẩn của thiết bị và hệ thống trạm sạc cũng như các yêu cầu an toàn trong quá trình sạc đối với các loại thiết bị này. Hệ thống thiết bị sạc và trạm sạc là cơ sở hạ tầng thiết yếu để mở rộng và phát triển ngành công nghiệp xe điện.
Tổng số tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đang áp dụng cho các phương tiện cơ giới đường bộ là 260, trong đó ôtô có 140 tiêu chuẩn, môtô 102 tiêu chuẩn và xe đạp 18 tiêu chuẩn. Trong các TCVN trên thì có 39 tiêu chuẩn áp dụng cho xe điện.
Đây là một con số khá thấp trong số nhiều quy định về tiêu chuẩn an toàn xe điện được thế giới áp dụng. Bộ TNMT cho biết còn khá nhiều tiêu chuẩn cần phải được xét đến như: yêu cầu kỹ thuật và an toàn điện đối với hệ thống sạc nhanh, yêu cầu và đặc tính của thiết bị nạp tự động, yêu cầu về tái chế đối với ắc-quy, pin sau một thời gian sử dụng...
Vì thế, cần ưu tiên phát triển các TCVN và QCVN về hệ thống trạm sạc, hệ thống sạc nhanh, trạm đổi pin... để có thể sớm đưa ra các yêu cầu kỹ thuật và an toàn của các thiết bị và trạm sạc vào quản lý, giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả, an toàn điện trong quá trình sử dụng.
Đoàn Dũng