Ảnh: Corbis.com. |
Những trò chơi dưới đây vừa giúp rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho đứa con tuổi chập chững của bạn, vừa tạo sự gắn bó và những giây phút vui vẻ trong gia đình.
Trò chơi cho bé 12-16 tháng
Đóng kịch
Bạn giả vờ coi chú gấu bông hay cô búp bê yêu thích của bé là thật và cho nó dạo chơi, đi ngủ hay nhảy quanh phòng. Bạn cũng cho những "nhân vật" đó cùng tham gia vào các sinh hoạt thường ngày của gia đình, chẳng hạn như đặt ngồi bên bàn khi ăn tối hay mặc yếm cho nó... Những việc này có thể giúp con bạn phát triển kỹ năng ngôn ngữ và trí trí tưởng tượng của mình.
Kéo-đẩy
Nếu con đang tập đi, bạn giúp bé luyện tập bằng trò chơi "kéo và đẩy": Dùng một đồ vật có thể di chuyển được, chẳng hạn như chiếc ghế nhỏ hay các hộp nhựa xếp chồng lên nhau đựng đầy đồ chơi mềm. Trong khi bé bíu vào cạnh của các vật này để đứng, bạn có thể cầm cạnh kia và giữ thật chắc. Sau đó, từ từ kéo chiếc hộp về phía bạn để khuyến khích bé cũng níu lại. Tiếp đó, bé sẽ bắt đầu kéo trong khi bạn nhẹ nhàng đẩy. Trò chơi này sẽ xây dựng sự tự tin để bé có thể tự bước đi bằng đôi chân của mình.
Hoan hô
Bạn có thể cùng con vỗ tay hay để bé cầm tay mẹ khi bạn vỗ chúng vào nhau. Bạn nên đặt bé ngồi đối diện với mình trên sàn hay trong lòng bạn và vừa hát vừa vỗ tay. Trò chơi này sẽ thúc đẩy khả năng ngôn ngữ cũng như sự kết hợp giữa mắt và tay của bé.
Trốn tìm
Các bé tuổi chập chững sẽ rất thích trò chơi này. Buổi sáng, khi bé vừa ngủ dậy, mẹ nấp ngay dưới tấm ga trải giường hay chiếc chăn hoặc để con "trốn" trong chiếc khăn tắm lớn lúc tắm. Để bé thêm thích thú, bạn có thể nhẹ nhàng cù con khi bé trốn và giả vờ kêu lên: "Ối, cái gì đây? Có phải chân của tôi không nhỉ?". Qua trò chơi này, bạn dạy con biết rằng có những thứ dù bé không nhìn thấy nhưng vẫn có mặt ở đó. Để thay đổi một chút, bạn có thể choàng khăn tắm kín người bé và đưa con sang phòng khác. Bé sẽ vui mừng khi thò đầu ra và khám phá thấy những điều mới lạ.
Trò chơi cho bé 16-20 tháng
Mở tiệc
Vào một ngày chủ nhật, hai mẹ con có thể lấy bộ đồ chơi gồm các bát, cốc, chén nhỏ bằng nhựa ra ngoài trời và đổ đầy nước vào. Trò chơi này sẽ thử thách khả năng kết hợp mắt - tay của bé và giúp bé học về thuộc tính của nước, chẳng hạn, nó luôn luôn chảy xuống chứ không bao giờ chảy lên.
Xây dựng
Bạn nên bày cho bé chơi trò này khi con đang thoải mái, dễ chịu vì nó đòi hỏi bé phải tập trung một chút. Bạn có thể sử dụng những khối để tạo thành các hình đơn giản, ví dụ như xếp ba khối một hàng hay hai khối ngang, hai khối dọc để tạo thành hình vuông. Bạn khuyến khích con sử dụng những khối khác để làm theo mẫu của mẹ, sau đó, để bé tự tạo ra mô hình riêng và bạn bắt chước theo. Trò này sẽ khuyến khích bé học kỹ năng giải quyết vấn đề.
Lăn nó cho tôi
Bóng là đồ chơi phổ biến cho trẻ tuổi tập đi. Những quả bóng có khả năng nẩy tốt sẽ rất hữu ích khi chơi ở ngoài trời nhưng những quả bóng mềm hay bằng bọt biển lại phù hợp hơn với các bé tuổi tập đi. Đơn giản nhất là bạn bày cho bé cách bắt bóng: Hai mẹ con ngồi đối diện trên đất, những ngón chân chạm nhau và lăn quả bóng qua lại giữa hai người. Trò chơi này sẽ giúp phát triền độ khỏe của cánh tay và khả năng phối hợp tay và mắt của bé.
Nhà sưu tầm tí hon
Bạn rủ con đi dạo và mang theo một cái hộp rồi thu nhặt những thứ nho nhỏ thu hút sự chú ý của bé, chẳng hạn như hòn đá, chiếc lá cây, quả thông. Con bạn sẽ rất thích thú với chiếc hộp đầy ắp nhưng bạn cũng chớ thất vọng nếu thấy bé tỏ ra buồn chán với những thứ trong đó và đổ hết đi để bắt đầu nhặt lại. Qua trò chơi này, bé được luyện các cử động tay và phát triển sự khéo léo.
Trò chơi cho bé 20-24 tháng
Mẹ con mình cùng nhảy
Mở đoạn nhạc yêu thích phụ họa theo một hành động đặc biệt nào đó, có thể là tiếng đập to để con bạn giậm chân như một chú voi hay một khúc yên ắng để bé giả vờ nhón ngón chân như khi đi qua một chú sư tử đang ngủ. Những bước nhảy theo điệu nhạc này rất cuốn hút và dễ cho các bé điều khiển. Trò chơi này sẽ phát huy trí tưởng tượng và khả năng cảm nhận giai điệu của bé.
Những quả bóng vui nhộn
Những quả bóng sẽ rất hay cho trò chơi trong nhà vì chúng di chuyển chậm để bé có thể đuổi theo và tương đối dẽ bắt. Bạn có thể thổi một quả bóng lên và tung nhẹ nó trong không khí, sau đó đếm xem nó lơ lửng trên mặt đất được bao lâu hay để cho bé thử bắt bóng. Đây là một trò chơi giúp phát triển kỹ năng đếm và sự kết hợp tai-mắt của bé.
Lưu ý: Các phần xẹp hay mảnh vỡ của những quả bóng cao su có thể là nguy cơ gây ngạt cho trẻ. Vì thể, bạn không nên để bé ở quá gần bóng và nhặt bỏ ngay các phần nhỏ nếu bóng nổ. Nếu có thể, chọn những quả bóng bằng giấy hay bằng mylar để thay thế.
Con nghe thấy gì vậy?
Hai mẹ con mang theo chiếc vỏ chăn hay khăn tắm to trải ra vườn và cùng nằm xuống. Bạn bảo bé nhắm mắt lại và chăm chú lắng nghe. Sau một phút hãy hỏi bé xem con đã nghe thấy gì và nói với con những điều bạn nghe được: tiếng gió thổi lá cây, tiếng chim hót và cả tiếng ô tô chạy qua. Trò chơi này giúp con bạn phát triển khả năng nghe và diễn tả.
Minh Thùy (theo Parenting)