Ảnh: Dkimages.com. |
Dưới đây là một số loại đồ ăn khác không an toàn với trẻ ở từng độ tuổi khác nhau:
Với bé mới sinh đến 4-6 tháng
- Nên tránh tất cả những thức ăn dặm
Các bác sĩ ở học viện Nhi Khoa Mỹ khuyên bạn chỉ nên cho bé sơ sinh bú sữa hay uống sữa bột trong 4-6 tháng đầu tiên.
Với bé 4-12 tháng
- Cam quýt: Các bé dưới 1 tuổi có thể bị dị ứng khi ăn cam quýt, nhất là nếu trong gia đình bạn cũng có người từng bị như vậy.
- Lòng trắng trứng: Bé có thể ăn được lòng đỏ nhưng bạn không nên cho con ăn lòng trắng trước khi bé 1 tuổi. Lòng trắng trứng rất giàu protein và bé có thể dị ứng với chính chất này. Thực tế, nếu cảm thấy lo ngại, bạn có thể đợi đến lúc con 2 tuổi trở đi mới cho ăn.
- Mật ong: Mật ong có thể chứa mầm vi khuẩn Clostridium botulinum, một loại vi khuẩn kỵ khí gây chứng ngộ độc thịt. Bộ máy tiêu hóa của người lớn có tkhả năng ngăn sự phát triển của mầm bệnh này nhưng bé thì không.
- Bơ lạc: Lạc có khả năng gây dị ứng khá cao. Để tránh cho bé khỏi nguy cơ này, bạn chỉ nên cho con ăn bơ lạc lúc bé được ít nhất là 1 tuổi. Nếu bạn hay vợ/chồng mình không hợp ăn lạc thì nên cũng đừng cho con ăn trước khi bé 3 tuổi. Một lý do khác không nên cho bé ăn bơ lạc sớm là nó rất cứng, làm bé khó nuốt.
- Hạt lúa mỳ hay các sản phẩm từ lúa mỳ: Hầu hết các bé có thể ăn được các loại thực phẩm từ lúa mỳ (trong ngũ cốc và bánh mỳ) từ lúc 6-8 tháng tuổi. Tuy nhiên, do có chứa một lượng lớn protein gluten nên lúa mỳ rất dễ gây dị ứng cho bé.
- Động vật có vỏ như tôm, cua, trai, sò: Đây là những loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng nhưng lại có khả năng gây dị ứng cao. Vì thế, theo các chuyên gia, bạn không nên cho con ăn tôm, cua... khi bé dưới 1 tuổi, thậm chí là 3-4 tuổi nếu bạn chưa thấy yên tâm.
- Quả hạch (như quả hồ đào, quả óc chó): Nếu con bạn dễ bị dị ứng thức ăn, đừng cho bé ăn các loại quả này trước 3-4 tuổi.
- Những thức ăn có nguy cơ gây dị ứng khác: Nếu bạn lo bé có nguy cơ dị ứng thức ăn vì chính bạn hay vợ chồng mình từng như vậy thì nên tránh cho bé ăn những thức như ngô, đậu nành, chocolate hay bất cứ thứ gì khác mà bạn không dùng được, ít nhất cho đến khi bé 1 tuổi.
- Sữa bò: Các bé dưới 1 tuổi không thể tiêu hóa được lượng protein trong sữa bò. Hơn nữa, loại sữa này cũng không thể thay thế cho sữa mẹ hay sữa bột bởi nó không đủ chất dinh dưỡng bé cần và còn chứa nhiều chất khoáng không tốt cho thận của trẻ nhỏ.
- Những miếng thức ăn lớn: Một miếng thức ăn bằng hạt đậu là an toàn nhất với các bé dưới 1 tuổi vì nó sẽ không làm trẻ bị nghẹn. Những loại rau như cà rốt, cần tây, đậu xanh cần được thái thật nhỏ. Trái cây hay thịt, pho mát cũng vậy.
- Những loại thức ăn nhỏ, cứng: Các loại hạt, bỏng ngô, viên thuốc ho, kẹo cứng, nho khô và những trái cây, hạt khô có kích thước nhỏ tiềm ẩn nguy cơ gây tắc họng, nghẹt thở cho bé. Bạn cũng không nên cho con ăn kẹo cao su và những thực phẩm mềm như kẹo dẻo, thạch.
Với trẻ 12-36 tháng:
- Sữa ít béo: Bé đang lớn rất nhanh nên rất cần được cung cấp đủ các chất béo và năng lượng.
- Những thứ dễ gây nghẹn: Tiếp tục tránh tất cả những thức ăn dễ làm bé nghẹn như ở trên. Bạn cũng nên cẩn thận khi cho bé ăn những miếng thức ăn to hay bơ lạc.
+ Những thức ăn dễ gây dị ứng: Nếu bạn lo con dễ bị dị ứng thức ăn, đừng cho bé dùng lòng trắng trứng trước 2 tuổi hay tôm, cua, các loại hạt và cả bơ lạc dưới 3 tuổi.
Những dấu hiệu cảnh báo bé bị dị ứng thức ăn: Nôn mửa, ỉa chảy, phát ban, đau bụng, ho, cáu kỉnh, xì hơi nhiều, ngứa, chảy nước mũi, thở dốc, bụng chướng và thở khò khè. Hầu hết những chiệu chứng này thường thấy trong vài giờ khi ăn xong. Hãy gọi bác sĩ ngay nếu bạn nghĩ bé bị dị ứng thức ăn nào đó.
Minh Thùy (theo Baby Center)