Là một cựu sĩ quan tình báo lên lãnh đạo nước Nga lấy lại thế thăng bằng sau một thập kỷ náo loạn thời hậu Xô viết, Putin đã rời vị trí trong sự ngưỡng mộ cao của dân chúng. Còn Medvedev, người kế nhiệm ông, sẽ phải nhận trách nhiệm lãnh đạo một quốc gia lớn vừa thoát khỏi đói nghèo và bạc nhược.
Điện Kremlin đánh dấu dịp này bằng cuộc diễu binh ở Quảng trường Đỏ hoành tráng chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Buổi lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức vào thứ sáu này sẽ có màn trình diễn của các máy bay ném bom chiến lược và hàng đoàn xe tăng.
Medvedev trở thành tổng thống thứ ba của nước Nga và là trung tâm của những lời phỏng đoán. Ông xuất hiện trong một hình ảnh khá khó hiểu, đôi khi khiến người ta tưởng những thay đổi lớn chắc chắn sẽ diễn ra để tấn công thẳng vào nạn tham nhũng và giảm tệ quan liêu, đôi khi lại cho thấy ông sẽ theo bước chân của người bảo trợ cho mình.
Lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng tuần này sẽ gắn với nỗi hoài niệm thời Liên Xô, những biểu tượng và vẻ oai vệ mới của Nga, vì thế Medvedev, 42 tuổi, sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Những thách thức về chính sách không hề nhỏ, ngay cả khi nước Nga đã “sửa chữa” được hình ảnh một nhà nước yếu kém. Medvedev phải đối mặt với lạm phát leo thang, nạn quan liêu dai dẳng, tệ tham nhũng lan rộng, một hệ thống tư pháp yếu kém và dân số giảm vì tỷ lệ sinh thấp, hệ thống y tế công cộng không đạt yêu cầu.
Kinh tế Nga còn nhiều hạn chế, nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp đến công nghệ cao, đều chưa phát triển. Các quan chức nhà nước, giới doanh nhân và các cựu nhân viên an ninh, những người mà không thể kiểm chứng được độ trung thành của họ với Medvedev, thì đang chia rẽ bởi những cuộc đấu tranh nội bộ.
Medvedev cũng phải đối mặt với những căng thẳng leo thang ở vùng Kavkaz, ở các dãy núi vùng biên giới phía tây nam của Nga, nơi mà Gruzia, một vệ tinh cũ của Kremlin, đang tố cáo Nga bắt đầu kế hoạch sáp nhập khu vực ly khai Abkhazia của họ, và nói đến nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh.
Hơn nữa, Medvedev, người đã chọn Putin làm thủ tướng của mình ngay trong ngày nhậm chức, sẽ cầm quyền thông qua một mô hình lãnh đạo kiểu mới và với một nền tảng quyền lực không chắc chắn. Sức mạnh quyền lực của ông bị đã bị xói mòn ngay trước khi ông nhậm chức, bởi hiện có những thông tin cho rằng Putin sẽ duy trì quyền lực thông qua ghế thủ tướng Nga.
Một tờ báo của Nga mới đây viết, Putin định tăng gấp đôi số phó thủ tướng, giao việc cho những người thân cận với mình và thể chế hóa khái niệm một thủ tướng mạnh có quyền kiểm soát hầu hết các công việc của quốc gia.
Theo Stephen Sestanovich, một nhân vật cấp cao của Hội đồng Đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu chính trị đặt trụ sở tại New York, dù Medvedev lựa chọn chính sách nào thì khả năng áp đặt quan điểm của ông lên tương lai nước Nga cũng không nhiều.
Sestanovich tự hỏi: “Vậy ông có quyền lực gì trong tay? Hay ông chỉ là một khuôn mặt mang tính trang trí?”. Và trả lời: “Tất nhiên, chúng ta chưa thể biết được”.
Những năm Putin lãnh đạo đã được kết thúc với nhiều thành tựu lớn, điều khó ai có thể ngờ được vào thời điểm ông nhận trách nhiệm chèo lái quốc gia rộng lớn nhất thế giới hơn 8 năm trước.
Dù còn một số vấn đề, nhưng đối với nhiều người Nga, những thành quả mà Putin đạt được quả là sáng chói. Quân đội Nga đã đánh bại và đẩy lùi các lực lượng ly khai ở Chechnya, và Nga đã thanh toán xong nợ nước ngoài trước hạn.
Giá trị thị trường chứng khoán Nga tăng ngoạn mục. Các thành phố lớn của Nga đã bước vào quá trình bùng nổ xây dựng. Các cửa hàng, cửa hiệu ở đô thị tràn ngập hàng hóa. Mức sống của người dân tăng cao và những kỳ nghỉ ở nước ngoài giờ đã lần đầu tiên trở thành hiện thực đối với phần đông dân chúng.
Về đối ngoại, Putin cư xử khá mềm mỏng với Mỹ nhưng vẫn tiếp đón hoặc tham gia họp với các lãnh đạo quốc gia trên thế giới chống đối Washington như Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko, Tổng thống Venezuela Hugo Chávez, lãnh đạo Uzbekistan Islam Karimov hay Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad.
Ông luôn nhắc nhở người đối thoại của mình rằng ông phản đối cuộc xâm lược Iraq và không hài lòng trước sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của các quốc gia trong không gian Xô Viết.
Sau thời Boris Yeltsin với quả bóng kinh tế xẹp hơi và những lúng túng trong chính sách, sự kiêu hãnh quốc gia của Nga đã được khôi phục rõ nét. Nhiều người Nga giờ đây đã lên kế hoạch cho tương lai theo cách mà một thập kỷ trước họ không dám nghĩ đến.
Nhưng những vấn đề mới đang dần lộ diện và cần những giải pháp mới của điện Kremlin. Medvedev, người có thú tập yoga trong khi Putin chơi judo, sẽ phải đối mặt với một số vấn đề đang tiếp tục che phủ cái nhìn về tương lai nước Nga.
Lớn nhất trong số đó, theo Anders Aslund, một quan chức cấp cao của Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson ở Washington, là vấn đề lạm phát, cơ sở hạ tầng kém và nạn tham nhũng tràn lan.
Trong năm đầu tiên ông Putin lên làm tổng thống, giá dầu chỉ ở ngưỡng 20-30 USD/thùng. Hôm nay, con số đó đã vượt qua mức 120 USD/thùng. Nga là nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, và giá dầu đã thay đổi những tính toán về sự thay đổi nền kinh tế Nga. Nền kinh tế nóng tạo ra nhiều sức ép lớn. Giá sinh hoạt tăng chóng mặt, thổi căng quả bóng bất động sản và đẩy giá của những dịch vụ công cộng, giá dầu và lương thực lên cao ngất ngưởng.
Lạm phát đã đạt mức kỷ lục 13%, khiến ngày càng nhiều người Nga lo lắng và không hài lòng, đặc biệt là những người đã về hưu, vốn luôn nhớ đến mức lạm phát của những năm 1990. Giới trung lưu cũng bực mình. Tháng này, giá xăng đã tăng lên đến gần 1 USD/lít, quá đắt đối với một quốc gia mà thu nhập trung bình của một hộ gia đình vẫn chỉ bằng số lẻ thu nhập của người dân những nước phương Tây.
Một số quan chức Nga đã khéo léo gợi ý rằng Moscow nên sớm áp dụng chính sách đồng rúp mạnh để làm nguội nền kinh tế. “Mối lo lớn nhất là phải làm sao giảm lạm phát, và giải pháp duy nhất là dùng cái phao tăng giá đồng rúp”, Aslund nhận định. “Tôi cho rằng Medvedev sẽ ủng hộ một đồng rúp mạnh”.
Các giải pháp dài hạn cũng đặt ra thách thức lớn. Cơ sở hạ tầng của Nga đang “quá đát”, vì đa số được xây dựng từ thời Xô viết. Những khoản đầu tư khổng lồ để cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ lại gây thêm sức ép lạm phát.
Aslund cho rằng những nỗ lực đầu tư có nguy cơ bị phá hỏng vì nạn tham nhũng lan rộng: Tiền “lại quả” trong những công trình công cộng và dự án năng lượng có thể ngốn tới 50%. “Bạn không thể xây dựng cơ sở hạ tầng nếu một nửa số tiền đầu tư được dùng để lại quả”, ông nói.
Medvedev còn phải đảm nhiệm vai trò lãnh đạo một quốc gia trước nguy cơ giảm dân số. Hệ thống y tế không đảm bảo, tỷ lệ sinh thấp dưới mức cần thiết, trong khi nước Nga đang lớn lên thì dân số co lại.
Hai năm trước, Putin đã khuyến khích phụ nữ sinh đẻ nhiều hơn. Năm 2007, tỷ lệ sinh cũng đã tăng đôi chút và tỷ lệ chết cũng giảm. Nhưng Murray Feshbach, một chuyên gia dân số của Nga đang nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng, cho biết, tình trạng dân số Nga vẫn sẽ ảm đạm, một phần vì số phụ nữ ở độ tuổi từ 20-29 (độ tuổi sinh đẻ ở Nga) sẽ giảm vào năm 2012.
Tỷ lệ người nhiễm lao phổi ở Nga cao, số bệnh nhân chết vì AIDS đang tăng. Sự bùng phát viêm gan C, căn bệnh có thời gian ủ lâu dài, có thể xảy ra trong 5 năm tới.
Nếu không có những chương trình hỗn hợp để kìm hãm sự phát triển các dịch bệnh này và giảm tỷ lệ chết, theo chuyên gia Feshbach, Nga sẽ phải đối mặt với sự thu hẹp đáng kể lực lượng lao động và lực lượng vũ trang trong thập kỷ tới.
Sestanovich cho rằng, trong những bài phát biểu của Medvedev gần đây có những dấu hiệu cho thấy ông nhìn thế giới giới theo cách khác với người tiền nhiệm. Ông đã kêu gọi các chuyên gia nước ngoài cùng giúp sức giải quyết các vấn đề với chính phủ, ông cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giảm quy mô và quyền lực của chính phủ.
“Ông ấy không chỉ chống lại những năm 90 như Putin đã làm. Medvedev nhận thấy rằng ông phải khắc phục một số thứ đã đi sai hướng dưới thời Putin”, Sestanovich nhận xét.
Chuyên gia này nói thêm rằng một số nhiệm vụ mà Medvedev đặt ra cho bản thân dường như vượt quá khả năng hiện tại của ông, nhưng sẽ là thước đo quyền lực của tân tổng thống trong tương lai.
"Quay cuồng trong quyền lực của một nhà nước quan liêu?", Sestanovich bình luận, "sẽ mệt đấy".
Bạch Dương (theo IHT)