Chị Nguyễn Thị Mười Tám (46 tuổi, quận Tân Bình, TP HCM), quyết định trở thành tài xế xe công nghệ sau một thời gian gia đình gặp biến cố. Năm 2018, chồng làm ăn thua lỗ, kinh tế gia đình rơi vào khủng hoảng. Không thể níu giữ hạnh phúc vợ chồng, chị Tám thành mẹ đơn thân. Người phụ nữ quê Cần Thơ, một mình sống ở Sài Gòn, trở thành trụ cột nuôi hai con đang đi học.
Được bạn gợi ý "chạy Grab" vì thu nhập ổn định, dễ tham gia, chị Tám có phần dè dặt bởi "quen làm nội trợ trong nhà đã lâu, không ra xã hội nhiều". Nhưng "chạy xe" lại là phương án khả thi nhất bởi giờ giấc linh hoạt - ưu tiên hàng đầu của bà mẹ đơn thân vừa phải kiếm tiền, vừa cần thời gian chăm lo, cơm nước, đưa đón các con đi học.
"Trong hoàn cảnh đó, tự nhiên thấy mình mạnh mẽ kỳ lạ, không ngại khó, ngại khổ, vì các con có thể làm mọi thứ". Chị đăng ký mà không nghĩ nhiều, cũng không để ý nghề này xưa nay vẫn được cho là của đấng mày râu.

Chị Tám để đồ ăn vào túi giữ nhiệt chuẩn bị giao cho người dùng. Ảnh: Hoài Phương
Từ một người chỉ quen bếp núc trong nhà, chị dần thông thạo các ngõ ngách ở Sài Gòn, vượt những quãng đường dài để giao hàng đến tận Bình Dương, Củ Chi, Đồng Nai... Thời gian đầu, chị chở khách qua dịch vụ GrabBike, sau đó chuyển sang giao hàng bằng GrabExpress, giao đồ ăn qua GrabFood. Sự đa dạng khi lựa chọn dịch vụ khiến chị thêm gắn bó.
Không chỉ giúp trang trải cuộc sống, chạy xe công nghệ còn giúp tâm hồn chị Tám "tái sinh" sau biến cố. "Hồi mới vào Grab, tâm trạng mình gần như suy sụp bởi khủng hoảng kinh tế, gia đình. Nhưng mỗi ngày chạy xe, gặp gỡ, trò chuyện nhiều người giúp mình nguôi ngoai, thoát khỏi suy nghĩ quẩn quanh. Có khách biết về hoàn cảnh thì chia sẻ, đồng cảm, như có thêm bạn bè tâm sự".
Những đồng nghiệp áo xanh sẵn sàng giúp đỡ trong hội nhóm cũng giúp chị mở lòng. "Không ai biết ai, nhưng hễ gặp nhau tại quán, nhìn thấy màu áo xanh là mọi người lại nở nụ cười, hỏi han công việc ngày hôm đó, thấy như thân quen lắm", chị Tám nói.
Giống như chị Tám, chị Phạm Thị Bích Ngọc (44 tuổi, Hà Nội) cũng là mẹ đơn thân, bén duyên với Grab sau biến cố kinh tế, phải bỏ nghề làm tóc gắn bó gần 20 năm. "Công việc này gần như là thay máu", chị Ngọc nói. Người phụ nữ nhiều năng lượng, tự nhận là "ham vui" như "cá gặp nước" khi tìm thấy một nghề được đi đây đó, kết giao với nhiều người. Tổ đội Thủ đô với những người anh em áo xanh từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị.
"Chạy Grab vui lắm vì tìm thấy cạ là các đồng nghiệp trong nhóm, hợp từ cách nói chuyện, chí hướng, cả sở thích. Thỉnh thoảng cuối tuần là cả nhóm lại hẹn ăn uống cùng nhau, tâm sự đủ chuyện trên trời dưới bể".

Nụ cười thường trực là hình ảnh quen thuộc của nữ tài xế Bích Ngọc. Ảnh: Tùng Đinh
Từ thành viên trong nhóm dành cho người mới, chị tự hào vì dần dà được tham gia vào những hội nhóm chuyên sâu hơn, tụ hội những tay lái "lão làng", chia sẻ cho nhau cách để "cày", kiếm thu nhập hiệu quả.
Nụ cười giòn tan và duyên kể chuyện là điều khiến các hành khách của chị ấn tượng mãi. "Nhiều khách thắc mắc tuổi bao nhiêu mà nghe cách nói chuyện trẻ trung, nói đùa rằng muốn đi mãi vì không dứt được câu chuyện.", chị Ngọc nói. Bản tính vui vẻ, lạc quan cũng giúp chị xua tan mệt mỏi trên những chặng đường dài.
"Làm tài xế Grab, mình được nói chuyện với mọi người một cách thoải mái, được sống thật với chính mình, nên lúc nào cũng cảm thấy tràn trề năng lượng. Khách bảo mình có giọng cười vô tư, và mình vui vì phần nào truyền năng lượng tích cực đó cho những người mới quen, dù gặp nhau một đoạn đường ngắn", nữ tài xế chia sẻ.

Đại diện Grab trao quà cho các bác tài nữ vào ngày 7/3. Ảnh: Grab
Vừa qua, nhằm tri ân những nỗ lực của các đối tác nữ, nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3, Grab đã trao tặng gần 2.000 phần quà tới các đối tác tài xế, đối tác nhà hàng và đối tác thương nhân nữ trên cả nước. Bên cạnh các hoạt động tặng quà, rửa xe, thay nhớt miễn phí, vòng quay may mắn dành cho đối tác tài xế nữ, Grab còn tổ chức các chuyến xe bất ngờ đến các cửa hàng, quán ăn để gặp gỡ và tặng quà trực tiếp cho hàng trăm đối tác nhà hàng nữ trên toàn quốc.
Phong Vân