Bão Hagibis trút lượng mưa kỷ lục xuống khu vực phía đông và miền trung Nhật Bản, khiến sông Abukuma tràn bờ và bờ kè trên phụ lưu sông Adatara bị vỡ. Những người dân sống tại thành phố Motomiya, tỉnh Fukushima, nơi giao nhau của hai con sông, chịu ảnh hưởng nặng nề.
Thậm chí sau khi nước rút khỏi thành phố, những con đường vẫn bị phủ lớp bùn dày, trơn trượt, cây cối, biển báo biến dạng và nước phun ra từ các miệng cống.
Lúc 7h ngày 14/10, một người đàn ông 52 tuổi đứng bên ngoài ngôi nhà hai tầng ở quận Minamimachiura của thành phố, cách sông Adatara khoảng 150m về phía nam. Ông lái xe từ nhà ở tỉnh Kanagawa, phía nam Tokyo tới đây để xem tình hình của mẹ, người sống một mình trong căn nhà.
"Tên của mẹ tôi không có trong danh sách tại trung tâm sơ tán", ông nói với vẻ lo lắng. Ông quyết định đến tìm mẹ sau khi thấy mức độ thiệt hại của tỉnh Fukushima trên TV.
Đến 8h, một nhân viên của trung tâm chăm sóc ban ngày mang chìa khóa căn nhà đến. Khi vào bên trong, họ phát hiện thi thể người phụ nữ trong độ tuổi 70 ở tầng một.

Lính cứu hỏa Nhật Bản cõng một cụ ông ở thành phố Motomiya, tỉnh Fukushima sơ tán hôm 13/10. Ảnh: AFP.
Theo một người hàng xóm, bà cụ có vấn đề về đi lại. Bà Junko Takahashi, 69 tuổi, người sơ tán vào đêm 12/10, nói rằng khi nhận ra người hàng xóm không ở trung tâm sơ tán, bà đã yêu cầu nhân viên chính quyền địa phương đến cứu. "Nhưng cùng lúc đó nước dâng lên. Họ không có thời gian để kiểm tra những người khác gần đó", bà nói một cách tiếc nuối.
Cảnh sát đã đến ngôi nhà một tầng ở quận Tatenokoshi, cách sông Adatara khoảng 150 m về phía bắc, vào khoảng 13h ngày 14/10 và phát hiện thi thể một người đàn ông trong độ tuổi 40.
Chủ phòng khám nha khoa đối diện căn nhà nói rằng người chết là bác sĩ làm việc tại phòng khám của ông. Sau khi lệnh sơ tán được ban bố vào khoảng 22h25 ngày 12/10, ông gọi điện để khuyên bác sĩ rời khỏi khu vực. Bác sĩ trả lời rằng nước dâng đến mắt cá chân và đồ đạc trong nhà đã bị cuốn trôi. Bác sĩ sau đó không liên lạc lại.
"Nếu có lệnh di tản, tốt hơn hết mọi người nên tuân thủ thay vì trì hoãn. Trẻ hay già cũng vậy, chẳng có gì khác nhau", chủ phòng khám nói, giọng run lên vì tức giận.
Một thợ cắt tóc 48 tuổi ở căn nhà hai tầng kế bên cho biết khi nước lũ tràn vào, tầng một đã bị ngập nước. Ông có thể nghe thấy tiếng cửa sổ vỡ và tiếng đồ đạc bị đẩy lên trần nhà.
"Tôi nghĩ tiếng mưa rất êm nên đã nhìn ra bên ngoài. Lúc ấy, tôi nhận thấy một lượng nước đáng sợ đang đổ vào khu phố. Tôi rất sợ hãi, dường như nước sẽ dâng lên tầng hai vào sáng hôm sau. Thật may, một chiếc thuyền cứu hộ đã đến và cứu tôi", người thợ cắt tóc cho hay.
Ít nhất 68 người đã chết, 15 người mất tích và 200 người bị thương sau bão Hagibis. Lực lượng cứu hộ Nhật Bản hôm nay vẫn tiếp tục chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người sống sót.
Huyền Lê (Theo Mainichi)