Người Malaysia thường chia sẻ với nhau rất nhiều thứ, từ quan điểm cá nhân tới cả những lời khuyên chẳng ai cần đến, nhưng họ dường như không hề muốn chia sẻ không gian trong ôtô của mình với người khác những khi phải tất bật đi đi về về, khảo sát tiến hành bởi Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Chính trị (Cent-GPS), công ty nghiên cứu khoa học xã hội và hành vi trụ sở ở Kuala Lumpur, cho biết.
Nghiên cứu mới nhất của hãng này, được trích dẫn trên nhiều tờ báo, tiết lộ rằng dân Klang Valley (khu đô thị liên hoàn bao gồm Kuala Lumpur và các vùng phụ cận), không chỉ thích lái xe tới công sở thay vì sử dụng phương tiện công cộng, họ còn không thích có bạn đồng hành trên ôtô (Carpooling).
Qua khảo sát thực địa tiến hành trong ba ngày từ 23-25/10, gần 4.700 phương tiện tham gia khảo sát trong khoảng từ 8h đến 9h10 ở nhiều địa điểm khác nhau quanh Klang Valley, hãng này chỉ ra 87,3% ôtô chỉ có một mình tài xế trên xe. Đây là tỷ lệ những người thường xuyên đi làm một mình bằng ôtô cao nhất trên thế giới, khảo sát này đánh giá.
Chỉ 11,6% phương tiện có thêm một hành khách, và 0,9% có hai hành khách trên xe trong giai đoạn lấy mẫu. Các nhà nghiên cứu, đã đóng ở Ampang, Seri Kembangan, Sungai Buloh và Petaling Jaya, những vị trí gần nơi liên kết các khu dân cư, trạm thu phí giao thông và nơi làm việc, để chọn người tham gia khảo sát.
Cent-GPS cho biết những người tham gia khảo sát cho thấy rất rõ ràng rằng họ thích lái xe một mình bởi thích sự thoải mái, dành khoảng thời gian lái xe một mình buổi sáng để tập trung suy nghĩ, nghe các chương trình phát thanh hay các bản nhạc yêu thích. "Họ thích làm vậy mà không cần phải tương tác với bất kỳ hành khách đi cùng nào khác", kết quả khảo sát đăng trong thông cáo báo chí tuyên bố.
Các tài xế cũng chỉ ra rằng việc sử dụng phương tiện công cộng vẫn rất khó khăn, còn lái xe thì dễ hơn nhiều. Vài người phàn nàn rằng chi phí đỗ xe ở trạm MRT hay LRT ngang với phí đỗ xe ở nơi làm việc. Một số người cho biết khi họ có kế hoạch sắp xếp để đi chung xe, đồng nghiệp của họ thường ngủ dậy muộn, kéo theo tài xế cũng muộn làm luôn.
Báo cáo của Cent-GPS cũng thêm rằng phí nhiên liệu và cầu đường hợp lý cho những người lái xe đi làm một mình là lý do giải thích cho tỷ lệ lớn các ôtô chỉ có một mình tài xế. "Thật tình mà nói, chi phí nhiên liệu và cầu đường khá hợp lý ở Malaysia không đủ để thôi thúc mọi người tìm đến các lựa chọn như đi chung xe hay dùng phương tiện công cộng. Cái giá của nhiên liệu và việc ngồi giữa dòng xe cộ tắc cứng không lớn bằng cái giá của việc phải ngồi nghe đồng nghiệp phàn nàn về sếp của họ".
Hãng này cũng cho biết, "nếu như chính phủ có tăng phí cầu đường và nhiên liệu, thì những người bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là nhóm B40 - 40% những người có thu nhập thấp nhất trong xã hội, khiến cho việc lái xe đi làm một mình trở thành một việc xa xỉ chỉ người giàu mới có thể chi trả nổi".
Trong tương quan so sánh, các quốc gia khác đã bắt đầu thấy rõ sự giảm bớt số lượng ôtô chỉ chở một người trên đường phố, thay vào đó là nhiều lựa chọn sử dụng phương tiện công cộng hay chia sẻ xe. Theo Cent-GPS, số người lái xe đi làm một mình trung bình trên khắp cả nước ở Mỹ là 66%, trong khi 34% còn lại là đi chung xe. Ở Tây Ban Nha, khoảng 56% người tham gia giao thông lái xe đi làm một mình, trong khi 44% đi chung hoặc sử dụng phương tiện công cộng. Ở Bỉ, số người lái xe đi làm một mình đã giảm 5% mỗi năm và đến nay chỉ chiếm khoảng 30% số người tham gia giao thông, báo cáo cho biết thêm.
Dù tỷ lệ ôtô chỉ có một mình tài xế ở mức cao, Cent-GPS cho rằng "các nhà hoạch định chính sách không nên đề cao hiệu quả của việc bãi bỏ phí sử dụng đường bộ hay duy trì trợ cấp nhiên liệu. Thậm chí lối hùng biện về việc giảm thuế cũng ngụ ý rằng thuế đóng vai trò như một bước lùi trong xã hội của chúng ta. Điều này không đúng. Thuế cần được coi là trách nhiệm ở một đất nước đang phát triển, từ đó mới có thể bắt đầu điều chỉnh và giảm bớt số lượng ôtô trên đường phố".
"Khi chúng ta đang sống trong thập kỷ nơi biến đổi khí hậu sẽ quyết định sinh kế của chúng ta, thì những biện pháp này, dẫu có khó khăn và không được lòng dân, vẫn cần phải được thực hiện vì lợi ích chung, và vì tương lai của thế hệ mai sau", báo cáo viết.
Mai Huyền (theo Paultan)