Bệnh nhân đái tháo đường nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm nCoV. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cơ quan y tế các nước đều khuyến cáo tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho đối tượng mắc bệnh nền (đái tháo đường, tim mạch, tắc nghẽn phổi mạn tính, ung thư, bệnh gan...) càng sớm càng tốt. Song không ít người bệnh trì hoãn tiêm vaccine vì lo tác dụng phụ, nghĩ rằng có loại vaccine ngừa Covid-19 tốt hơn cho căn bệnh này nên bỏ lỡ cơ hội được bảo vệ sớm.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, đến nay chưa có tài liệu hay nghiên cứu nào công bố về loại vaccine ngừa Covid-19 tốt nhất cho bệnh nhân đái tháo đường. Các loại vaccine Covid-19 được WHO cấp phép và Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt đều có tác dụng giảm nguy cơ nhiễm nCoV và có thể tiêm cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp một và tuýp hai.
"Mặc dù mỗi loại vaccine Covid-19 có thể gây ra một số tác dụng phụ (tùy cơ địa mỗi người) nhưng tỷ lệ phản vệ do vaccine ít gặp và thấp hơn nhiều so với nguy cơ nhiễm và tử vong. Bệnh nhân đái tháo đường nên chích ngừa ngay khi có cơ hội, ngoại trừ các trường hợp chống chỉ định như dị ứng với vaccine hoặc các thành phần có trong vaccine", bác sĩ Quỳnh Trâm nói.
Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa phổ biến có khả năng gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ở tim, thận, thần kinh, mắt... nếu không kiểm soát đường huyết tốt. Hệ miễn dịch của bệnh nhân cũng bị suy yếu và do đó dễ bị bội nhiễm, dẫn đến nguy cơ trở nặng và tử vong cao nếu nhiễm nCoV. Bệnh nhân đái tháo đường, nhất là người có kèm biến chứng cần phải tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19.

Thạc sĩ, bác sĩ Quỳnh Trâm (bên trái) khám sàng lọc cho người có bệnh lý nền đái tháo đường vào ngày 4/9.
Lưu ý trước và sau tiêm vaccine Covid-19
Theo bác sĩ Quỳnh Trâm, khả năng xảy ra phản vệ do vaccine Covid-19 rất hiếm gặp. Người bệnh đái tháo đường cần giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng và lo lắng dễ ảnh hưởng đến huyết áp; lưu ý thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K khi đi tiêm vaccine.
Bệnh nhân đái tháo đường cũng như một số người có bệnh nền khác phải được khám sàng lọc kỹ trước khi chích ngừa. Các đối tượng này nên mang theo toa thuốc đang sử dụng, bệnh án cũ, cung cấp thông tin về tiền sử dị ứng (nếu có) để bác sĩ tư vấn kỹ hơn. Thông thường, ngoại trừ dị ứng với vacccine, các trường hợp dị ứng khác đều có thể chích ngừa vaccine Covid-19.

Nhân viên y tế hướng dẫn người bệnh kiểm tra vaccine Covid-19 trước khi chích tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vào ngày 4/9.
Bác sĩ Quỳnh Trâm cũng lưu ý thêm, người đang dùng thuốc hoặc có chỉ định tiêm insulin mỗi ngày tuyệt đối không kiêng khem và không được ngừng uống thuốc điều trị. Các thuốc điều trị tiểu đường hiện nay đều không tương tác với các loại vaccine Covid-19 và không có khuyến cáo phải dừng thuốc trước hoặc sau khi chích ngừa.
Các đối tượng được tiêm vaccine Covid-19 đều có thể gặp phải tác dụng phụ như sốt, đau đầu, mất ngủ, đau nhức cơ, ớn lạnh, mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, nhịp tim nhanh... Các triệu chứng này thường xuất hiện một ngày sau tiêm và kéo dài vài ngày đến một tuần (tùy vào cơ địa mỗi người) và sẽ tự hết mà không cần điều trị. Trường hợp người bệnh thấy biểu hiện sau chích ngừa như nổi mề đay, khó thở, tức ngực hoặc rối loạn ý thức, cần đến ngay bệnh viện gần nhất để được hỗ trợ.
Ngọc An