Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến bộ ngành về hai phương án nghỉ Tết Giáp Thìn trước khi trình Chính phủ. Lịch nghỉ áp dụng cho công chức nhà nước, song Bộ khuyến khích doanh nghiệp thực hiện theo lịch chung và báo trước ít nhất 30 ngày cho lao động biết.
Trên thực tế nhiều doanh nghiệp như Teakwang Vina (Đồng Nai) không quan tâm đến các phương án nghỉ Tết Giáp Thìn mà chủ động xây dựng lịch nghỉ riêng. Hơn một thập kỷ qua, lịch nghỉ Tết của công nhân công ty thường kéo dài 8-10 ngày, bắt đầu từ 27 hoặc 28 Âm lịch và trở lại muộn hơn so với lao động cả nước, có năm tới mùng 10 tháng giêng. Lao động hưởng lương 100% những ngày nghỉ Tết, không phải làm bù hay hoán đổi.
Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn công ty, lý giải 60% trong số hơn 30.000 lao động của doanh nghiệp đến từ các tỉnh thành ngoài Đồng Nai. Trong đó khoảng 10.000 người hộ khẩu miền Tây, còn lại từ phía Bắc và miền Trung. Có người quê xa nghìn cây số, thường chọn ở lại thành phố hoặc tăng ca dịp lễ vì số ngày nghỉ ít, chi phí đi lại cao. Nhiều cặp vợ chồng gửi con cho ông bà ở quê, Tết là dịp duy nhất được sum vầy. Có gia đình lập nghiệp ở Đồng Nai nhưng vẫn giữ truyền thống về quê ăn Tết Nguyên đán.
Hiểu được tâm tư lao động, công đoàn cơ sở chủ động thương lượng với lãnh đạo công ty để lên lịch nghỉ sớm và dài ngày hơn. Lịch mỗi năm có sự điều chỉnh, song ít nhất 8 ngày, gồm hai ngày trước và sáu ngày sau Tết. Những công nhân quê xa đi lại mất một ngày sẽ được nghỉ thêm, tổng cộng 10 ngày. Trước Tết vài tháng, công đoàn lên danh sách lao động đăng ký về quê, bố trí xe đưa về nhà và đón trở lại nhà máy sau Tết.
Theo ông Phúc, các nước Âu, Mỹ - thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp này không nghỉ Tết Nguyên đán như Việt Nam nên đơn hàng vẫn phải đảm bảo. Các phân xưởng tăng ca kíp, công nhân tăng năng suất để kịp đơn hàng dự trữ. Nhiều năm thực hiện chính sách phúc lợi này, ông thấy công nhân không than phiền vì được về quê sớm.
"Nguyện vọng được đáp ứng, tâm lý thoải mái giúp công nhân gắn bó với doanh nghiệp. Không phải cứ nghỉ ít, làm nhiều thì năng suất lao động mới tăng", ông Phúc nhận định, thêm rằng nghỉ Tết dài và sớm là mong muốn chính đáng của công nhân xa quê, mong muốn nhiều đơn vị sẽ bố trí lịch nghỉ phù hợp. Ba bên doanh nghiệp, công đoàn, lao động đồng thuận thì tất cả đều có lợi.
Nhiều doanh nghiệp phía Bắc thu hút lao động các tỉnh miền núi, miền Trung không bố trí nghỉ Tết dài, song tăng tốc sản xuất những ngày cận Tết để một bộ phận công nhân được về quê sớm. Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Hosiden (Bắc Giang), đánh giá đây là một trong những phúc lợi có tính cạnh tranh trong khu công nghiệp.
Hosiden sản xuất linh kiện điện tử có hơn 6.000 lao động, phần lớn là thanh niên các tỉnh vùng cao như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu. Nhiều người muốn về quê sớm vài ngày vẫn được công ty tạo điều kiện bằng cách tăng ca hoặc hoán đổi ngày phép. Công ty lên kế hoạch và tăng tốc sản xuất trước Tết, tới ngày 25 Âm lịch sẽ cơ bản hoàn thành đơn hàng.
Để đảm bảo công bằng, công ty xét duyệt danh sách, ưu tiên khoảng 300 công nhân có con nhỏ, quê xa được về sớm. Công đoàn chuyển khoản trực tiếp 100.000-300.000 đồng tiền xe cho công nhân, căn cứ vào số km đi lại. "Nhiều năm nay nghỉ Tết quá muộn, doanh nghiệp thực hiện theo lịch chung không có sự du di trong khi phần lớn công nhân con nhỏ, xa quê luôn muốn về sớm. Vì thế công đoàn luôn phải đứng ra thương lượng", ông Tân giải thích.
Tương tự, ông Bùi Văn Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty Luxshare - ITC (KCN Vân Trung, Bắc Giang), cho hay doanh nghiệp có hơn 25.000 lao động, phần lớn ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Nhiều người mất hơn nửa ngày di chuyển mới về đến nhà nên thường xin nghỉ sớm vài ngày trước Tết.
Tùy từng bộ phận, các phân xưởng sẽ tăng ca kíp hoặc hoán đổi ngày phép để công nhân quê xa được nghỉ từ 27 hoặc 28 Âm lịch. Song phần lớn lao động vẫn nghỉ theo lịch chung và phụ thuộc vào đơn hàng đối tác vì nhiều nước không nghỉ Tết cổ truyền như Việt Nam. "Tạo điều kiện cho công nhân về sớm để họ có thêm thời gian chuẩn bị Tết, ở bên con cái, tâm lý người lao động thoải mái hơn mới có thể gắn bó với công ty lâu dài", ông nói.
Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương vào các dịp: Tết Dương lịch một ngày (1/1 hàng năm); Tết Âm lịch 5 ngày; một ngày dịp 30/4 và một ngày Quốc tế lao động 1/5; Quốc khánh 2 ngày (2/9 Dương lịch và một ngày liền kề trước hoặc sau); Giỗ tổ Hùng Vương một ngày (10/3 Âm lịch). Hàng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng quyết định cụ thể số ngày nghỉ Tết Âm lịch và dịp Quốc khánh.
Người lao động nếu làm thêm giờ, làm việc ban đêm vào dịp lễ, Tết sẽ được hưởng lương ít nhất 300%, chưa bao gồm tiền lương làm việc trong ngày. Lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ lễ hàng năm sẽ được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền và ngày quốc khánh của nước họ.
Hồng Chiêu