Tháng 12/2007: Tập đoàn Sanlu nhận được nhiều đơn khiếu nại từ người tiêu dùng về tình trạng trẻ em mắc bệnh do dùng sữa bột Sanlu.
Tháng 6: Sanlu biết tin sữa bột của họ nhiễm melamine, một hóa chất công nghiệp có thể gây sỏi thận ở người và động vật.
30/6/2008: Cơ quan kiểm soát chất lượng thực phẩm Trung Quốc nhận được một đơn khiếu nại về việc 5 trẻ em ở tỉnh Hồ Nam nhập viện vì mắc sỏi thận và tất cả bệnh nhi đều sử dụng sữa bột Sanlu.
24/7: Một bác sĩ chuyên khoa nhi báo cáo cơ quan chức năng về 9 trường hợp mắc sỏi thận của trẻ em sau khi uống sữa bột Sanlu. Người bác sĩ giấu tên này bày tỏ lo lắng về chất lượng sữa bột trên thị trường.
2/8: Sanlu thông báo với chính quyền thành phố Thạch Gia Trang tại tỉnh Hà Bắc (nơi đặt trụ sở của tập đoàn) rằng sữa bột của họ chứa chất độc. Tại một cuộc họp hội đồng quản trị của Sanlu, đại diện của tập đoàn sữa Fonterra tại New Zealand, cổ đông lớn nhất của Sanlu, biết được tin về những lá đơn khiếu nại. Fonterra yêu cầu thu hồi toàn bộ sản phẩm sữa bột.
Những chai sữa chua dán nhãn "Không phát hiện melamine" tại một siêu thị ở Bắc Kinh. Ảnh: AP. |
6/8: Sanlu thu hồi sữa bột từ các nhà phân phối, nhưng không thông báo với giới truyền thông.
5/9: Fonterra thông báo với bà Helen Clark, Thủ tướng New Zealand, rằng sữa bột Sanlu chứa hóa chất gây sỏi thận. Ba ngày sau, bà Helen thông báo với giới chức Trung Quốc về vụ việc.
9/9: Giới chức Thạch Gia Trang báo cáo vụ việc với chính quyền tỉnh Hà Bắc. Một ngày sau, chính quyền Hà Bắc báo cáo với chính phủ.
11/9: Sanlu chính thức công bố lệnh thu hồi 700 tấn sữa bột trên các phương tiện truyền thông. Chính phủ tuyên bố sẽ nghiêm trị những người "vô trách nhiệm". Tân Hoa Xã đưa tin hàng chục trẻ em nhập viện vì sỏi thận.
13/9: Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Gao Qiang thông báo 432 trẻ dùng sữa bột Sanlu bị sỏi thận. Ông cho rằng Sanlu quá chậm trễ trong việc đưa ra cảnh báo và lệnh thu hồi sữa bột nhiễm độc, đồng thời mở cuộc điều tra toàn bộ công ty sữa bột trên toàn quốc. Chính quyền Hà Bắc thông báo họ đã thu giữ 2.176 tấn sữa bột của Sanlu và ra lệnh ngừng bán 8.218 tấn.
Một nông dân tại Vũ Hán khóc sau khi đổ sữa tươi vì nhà máy sữa tại địa phương đóng cửa. Ảnh: Reuters. |
15/9: Số lượng trẻ mắc bệnh vì sữa độc tăng lên 1.200, trong đó 2 bệnh nhi tử vong. Tổng cục Kiểm dịch, Kiểm tra và Giám sát chất lượng thực phẩm Trung Quốc khẳng định tình trạng pha chất độc vào sữa xảy ra ở các nông trại chăn nuôi, nơi cung cấp nguyên liệu cho các công ty sữa. Phó chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Sanlu lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng, nhưng không giải thích lý do khiến họ chậm công bố lời cảnh báo về sữa độc.
16/9: Các cơ quan chức năng điều tra 109 công ty sản xuất sữa bột và phát hiện 69 sản phẩm của 22 công ty chứa melamine. Tổng giám đốc tập đoàn Sanlu bị sa thải và khai trừ khỏi hội đồng quản trị.
17/9: Mengniu Dairy Co. và Yili - hai nhà sản xuất sữa lớn nhất Trung Quốc - ra lệnh thu hồi các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em. Bộ Y tế thông báo số lượng trẻ mắc bệnh vì sữa độc tăng lên hơn 6.200, trong đó 3 em tử vong. 5.000 thanh tra y tế được phái tới các công ty sữa trên toàn quốc.
18/9: Cảnh sát bắt giữ 18 người liên quan tới vụ việc và tịch thu hàng trăm tấn hóa chất độc hại.
19/9: Phát hiện melamine trong sữa nước của ba công ty sữa hàng đầu tại Trung Quốc.
21/9: Bộ Y tế thông báo số trẻ mắc bệnh tăng lên 53.000, trong đó 12.892 em điều trị nội trú và 104 bệnh nhi đối mặt với tình trạng nguy kịch. Hong Kong thông báo trường hợp mắc bệnh vì sữa bột đầu tiên bên ngoài lãnh thổ đại lục: Một bé gái 3 tuổi bị sỏi thận do uống sữa bột.
22/9: Lãnh đạo Tổng cục Kiểm dịch, Kiểm tra và Giám sát chất lượng thực phẩm Trung Quốc từ chức để nhận trách nhiệm về tình trạng nhiễm độc sữa bột tràn lan.
25/9: Số trẻ em mắc bệnh vì sữa độc tại Trung Quốc tăng lên 54.000.
Việt Linh (theo AP)