Tôi làm trong ngành vận tải gần 30 năm rồi. Phương án thu phí để giảm giao thông: ý tưởng tốt những phải cân nhắc kỹ để phương án khả thi, tránh gây tăng cước vận tải, tăng chi phí trong khi lương người dân còn eo hẹp. Tuy nhiên tôi có mấy điểm thắc mắc sau:
1/ Bộ trưởng GTVT cần xem lại một số phân tích của chuyên gia của bộ đã trình. “Bộ GTVT đánh giá số lượng ôtô chịu sự tác động của chính sách thu phí phương tiện cá nhân là 612.691 xe (tương ứng với 612.691 chủ phương tiện, chiếm 0,77% dân số cả nước)”.
Không thể so sánh giữa đầu phương tiện và đầu người được, trẻ con, người già không thể lái ôtô. Nếu so sánh phải tính trên hộ gia đình. Hiện tại các đơn vị vận tải đã chịu nhiều loại thuế khi kinh doanh.
Chỉ có hộ gia đình (xe tư nhân) không chịu thuế, phải phân loại thống kê xe gia đình và xe kinh doanh, từ đấy mới có thể tìm nguyên nhân chính của việc tắc trong giờ cao điểm.
Mặt khác đánh thuế vào phương tiện kinh doanh, số tiền 20-50 triệu/năm bằng 30% tiền khấu hao TSCĐ, hoặc 30% lãi vay vốn mua TS. Với chi phí tăng thêm như vậy việc giá cước phải tăng là lẽ đương nhiên. Kết quả lại lạm phát.
2/ Nếu những doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại 5 thành phố phải chịu sự áp dụng thuế trên, nhưng do đặc thù của nghề kinh doanh có một số phương tiện lại lưu hành ở tỉnh (thành phố khác). Vậy các xe đó có được miễn trừ đóng phí không?
3/ Nếu cá nhân mua phương tiện, (một hình thức lách luật như thời kỳ cấm đăng ký xe máy ở Hà Nội) nhưng đăng ký biển các tỉnh lân cận, vẫn lưu hành trong 5 thành phố trên thì tính phí như thế nào?
4/ Nếu những người có xe mà không chịu được mức phí đóng thì phải bán xe, vậy sẽ bán cho ai, ở đâu? ...
5/ Dựa trên cơ sở nào để áp dụng phương án cứ mỗi năm tăng thêm 5% phí?
6/ Với các xe chở quá tải, gây hỏng đường: Giá cước vận tải hàng hóa hiện dựa trên mức chở quá tải, nếu chỉ chở đủ tải giá cước rất cao. Để phương tiện lâu không bị xuống cấp chủ phương tiện sẽ chở đủ tải, nhưng giá cước sẽ tăng và không chủ hàng nào có thể chịu được mức phí đó, hoặc chịu tăng giá cước thì giá thành sản phẩm sẽ đội giá lên rất cao.
Kết quả là: lạm phát. Với vận tải hành khách: xe buýt nội đô hay liên tuyến giá quá rẻ. Trong khi quản lý của đơn vị chủ quản lỏng lẻo nên thất thoát nhiều, hàng năm thành phố phải bù lỗ. Không bao cấp cho các doanh nghiệp, cổ phần hóa một phần hoặc toàn bộ. Việc phục vụ hành khách đi xe sẽ cải thiện ngay.
Ý kiến đóng góp:
1/ Thống nhất thu phí ôtô đi vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm (6h-8h30 và 16h-19h hàng ngày, trừ ngày nghỉ, ngày lễ) dự kiến là 30.000 đồng một lượt ôtô dưới 7 chỗ và 50.000 đồng với các loại ôtô còn lại. Khu vực và mức thu cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định
2/ Áp dụng phương án tính vào xăng dầu là khả thi nhất, vì xe chạy nhiều sẽ chi phí nhiều, xe chạy ít chi phí ít.
3/ Với các phương tiện đường thủy, tuy không lưu hành trên đường bộ, nhưng để đảm bảo lưu hành trên sông, biển an toàn, thuận lợi cũng cần rất nhiều khoản mục phải xây dựng: cầu cảng, bến bãi....
4/ Các phương tiện này có thể được khấu trừ một phần chi phí (như khấu trừ thuế GTGT) theo tỷ lệ tiêu hao nhiên liệu/doanh thu hàng tháng.
Trên đây chỉ là một vài ý kiến. Mong Bộ trưởng nên lắng nghe ý dân trước rồi thi hành phương án thu.
Hà Ninh