Những buổi họp lớp thường được coi là cơ hội để gặp lại những người bạn xưa, ôn lại kỷ niệm và tạo dựng mối quan hệ trong giai đoạn mới của cuộc sống. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, buổi họp lớp cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến gia đình của một số người nặng thì tan nát, nhẹ thì lục đục vì nghi ngờ nhau.
"Mượn cớ họp lớp để ôn lại kỷ niệm xưa với bạn bè chỉ là phụ, cái chính là để xem dung nhan ấy bây giờ ra sao", chị dâu của tôi khẳng định chắc nịch khi nói về những buổi họp lớp của chồng.
Dù chung lớp cấp ba với nhau nhưng thời đi học, anh tôi quen một cô gái khác chứ không phải chị dâu hiện tại. Đến khi tốt nghiệp, do người yêu lên thành phố học đại học, còn anh tôi rớt tốt nghiệp nên ở lại quê phụ giúp việc cho gia đình nên họ chia tay nhau.
Chị dâu hiện tại sau khi học khóa cao đẳng kế toán thì về quê làm việc cho một công ty gần nhà. Bạn đồng lứa đi học, đi làm xa nên chuyện trai làng cưới gái làng là một sự lựa chọn hợp lý.
Từ khi quen nhau đến lúc cưới chưa tròn một năm. Do ba năm cấp ba chồng không ngó ngàng gì đến mình nên lúc nào trong đầu chị dâu tôi cũng có những khúc mắc: Tại sao anh ấy lấy mình? Anh ấy có yêu mình thật lòng không? Anh ấy có nhớ người yêu cũ không?
Anh trai tôi rất nhiều lần khẳng định đã bỏ qua hết những kỷ niệm xưa, bây giờ chỉ toàn tâm toàn lý lo kinh doanh kiếm tiền cho gia đình, nuôi vợ và hai con. Nhưng bằng một linh cảm của một người đàn bà, chị dâu tôi vẫn không thôi nghi ngờ.
Bạn học ngày trước ở chung xã hoặc những xã xung quanh nên Tết là một dịp đông đủ để họp lớp. Năm nào ngày mùng Ba Tết thầy tôi cũng thấy anh chị đi họp. Sau đó, lúc về nhà là chị dâu chạy một mạch qua nhà kể lể lại năm nay "con nhỏ đó" thế này, thế khác.
"Tại sao nhỏ đó vẫn chưa lấy chồng?" - một câu hỏi củng cố thắc mắc trong lòng chị.
Vừa đi họp lớp, vừa để giữ chồng, chị xem anh có nhìn, có nói chuyện với người cũ không? Rồi chị khẳng định "chắc là không" vì thời buổi bây giờ nếu muốn thì bí mật nhắn tin qua mạng xã hội là đủ, không cần phải lộ liễu ở buổi họp lớp.
Cứ thế, năm nào cũng đi họp lớp rồi gia đình lục đục, cãi vã nhau tới hết tháng giêng. Đến nỗi năm rồi mẹ tôi cấm hai người tham dự vì đầu năm đầu tháng gia đình lục đục là không nên. Lạ thay, người muốn đi là chị dâu tôi vì năm nay chị định dắt hai đứa con theo để "dằn mặt" cô người yêu cũ của chồng.
Lớp đại học của tôi cũng từng râm ran bàn tán về những chuyện tình ái ngoài luồng khi đi họp lớp. Tăng một, đúng chất là buổi họp lớp, ăn uống, chuyện trò rôm rả, đông đủ. Nhưng tăng hai, thường là đi hát karaoke với sĩ số giảm đi phân nửa do một số người về trước, và tăng ba (gồm những ai và họ đi những đâu nữa?) thì chỉ có vài người biết mà thôi.
Những buổi họp lớp có thể mang đến cả những kỷ niệm đáng nhớ lẫn những vụ ngoại tình đau khổ. Việc lạm dụng buổi họp lớp để ngoại tình không chỉ gây tổn thương cho gia đình mà còn mất đi giá trị trong sáng của những kỷ niệm tuổi học trò.
Chúng ta nên giữ trong lòng những kỷ niệm thời học sinh và tôn trọng cuộc sống hiện tại của mình. Nếu có bất kỳ sự thiếu hài lòng hay đau khổ trong hôn nhân cần tìm cách giải quyết và đối mặt với thách thức thay vì tìm kiếm sự mới mẻ với người cũ ở bên ngoài.
Theo tôi, nếu không kiềm chế được, thì tốt nhất là không nên đi họp lớp, bởi "tình cũ không rủ cũng tới", không lúc này thì cũng lúc khác, dù trong sáng thì cũng khiến gia đình lục đục, cãi vã, thậm chí tan nát vì nghi ngờ nhau bởi những "bí mật tình ái".
Ngọc Sương
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.