Không hộ khẩu, không đăng ký bến bãi, phải đón khách ở khu vực xung quanh, thỉnh thoảng chạy lén vào bến tìm khách, lại chạy cả vào ban đêm nên những người trong bến xe Miền Đông vẫn gọi chị Phương là nữ xe ôm "quốc tế".
Từ Miền Tây lên Sài Gòn kiếm sống khi còn trẻ, năm nay chị đã hơn 50 tuổi đời. Trải qua bao gian truân làm đủ thứ nghề nhưng chẳng cái nào ra món, cuối cùng chị chọn nghề xe ôm làm kế sinh nhai.
Chưa kịp hỏi về hoàn cảnh gia đình thì người đàn bà đã hai dòng nước mắt. Chồng chị cũng đã từng làm xe ôm nhưng đã chết cách đây mấy năm. Thay nghề của chồng kiếm tiền nuôi con, nhưng đứa con trai 16 tuổi không được giáo dục từ nhỏ nên chẳng ham học hành. "Đời chị khổ quá em ơi! Chị biết nó đi học cũng cho có vầy chứ tha thiết gì đâu, chẳng biết rồi tương lai của nó sẽ như thế nào, không lẽ cũng lại nối nghiệp cha mẹ thì khổ cả đời người", người đàn bà thở dài nói.
Cổng bến xe Miền Đông nơi các nữ xe ôm "quốc tế" vẫn thường lén vào đón khách. Ảnh: Đ.Q. |
Hàng ngày 5 giờ sáng đã lảng vảng trên bến để tìm khách cho đến tận khuya mới về, đàn bà làm nghề xe ôm đã khổ nhưng lại còn gặp nhiều chuyện nhục nhã, chớ trêu. Chị Phương kể lại, khi mới vào nghề chưa có kinh nghiệm, thỉnh thoảng chạy đêm gặp phải "mấy tên máu "dê" dụ chị trở đến đoạn đường vắng để dở trò xàm sở. "Để dằn mặt chị rồ ga mạnh hất nó xuống đất rồi chạy thẳng, đành chịu mất không cuốc xe đó", chị chia sẻ.
Cũng có lần, chị Phương gặp phải người nghiện xì ke, chở cả đoạn đường dài gần hai chục cây số nhưng bị quỵt tiền xe lại còn kiếm chuyện gây sự. Nhiều lúc chán, chị muốn bỏ nghề nhưng nghĩ đến con lại gạt nước mắt đứng lên.
Cũng lấy đường làm bạn như chị Phương, ở bến xe này còn không ít những người phụ nữ có cùng cảnh ngộ.
Mới hơn 30 tuổi nhưng chị Huệ đã có gần 10 năm làm nghề xe ôm. Trước đây cũng từng buôn thúng bán mẹt ở bến nhưng chèo néo khách lên xuống, lại bị xua đuổi mà cũng chẳng kiếm được bao nhiêu nên chị đành chuyển sang chạy xe. Chồng cũng không nghề nghiệp ổn định, sống cảnh thuê mướn nhà trọ, nuôi 2 đứa con nhỏ, cuộc sống của chị chật vật từng ngày. Mặc dù mới sinh con được hơn một tháng nhưng chị vẫn lên bến chạy vài cuốc kiếm thêm ngày chút ít tiền chi tiêu.
Là người khét tiếng "tà lanh" trong bến nhưng chị Huệ cũng không tránh khỏi những lần bị khách "chơi xỏ" chạy không trả tiền.
May mắn hơn những người nữ xe ôm "quốc tế" trên, chị Hiền được làm việc trong đội xe ôm của bến cùng chồng. Ngoài 50 tuổi và hơn 20 năm chạy xe ôm, nước da của chị sạm màu vì nắng gió. "Không vốn liếng làm ăn, không nghề nghiệp, cũng may trời cho sức khỏe nên còn theo được cái nghể của đàn ông này", chị cười nói.
Vợ chồng chị cũng từng gây dựng được một căn nhà nhưng trong một lần chạy xe bị cướp giật đồ của khách té chấn thương sọ não, phải bán cả gia tài để lấy tiền nằm viện. Mới đây chồng chị cũng bị tai nạn gãy chân không còn chạy xe được nữa, nhờ anh em trong đội nên kiếm được một chân quản lý bến. Cuộc sống lại càng khó khăn hơn.
Trước đây chị Hiền cùng là một nữ xe ôm "quốc tế" phải chạy cả ban đêm và cũng gặp nhiều phen "hú vía", nhưng từ khi được nhận vào đội xe ôm chính thức chị chỉ làm ca ngày. "Già rồi cũng muốn nghỉ nhưng còn phải nuôi mấy đứa cháu ngoại đang học dở dang. Ba mẹ nó nghèo làm thuê đủ ăn đủ tiêu giao hai đứa cháu tôi phải nuôi. Không cho nó học tiếp mai mốt nó khổ tôi cũng không đành", chị Hiền tâm sự.
Hiện nay, ở khu vực bến xe Miền Đông TP HCM còn rất nhiều người phụ nữ phải hành nghề xe ôm. Đối với họ đây là một nghề chính tạo thu nhập cho cả gia đình, phần lớn đều có hoàn cảnh éo le rơi vào bước đường cùng nên mới phải chọn công việc này.
Nói về ước mơ của mình họ cũng chẳng muốn gì cao sang. Người thì chỉ muốn hai đứa cháu học hết lớp 12 để có thể xin việc làm tử tế, người thì mong có một đội xe ôm dành cho nữ để không phải chạy chui chạy lén bị đuổi, người thì mong ngày nào cũng có khách đều... Nhưng những ước mơ đơn giản của những nữ xe ôm này cũng khó trở thành hiện thực.
Hải Duyên