Bà Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch Hội đồng quản trị Nam Hải Group cho biết, thị trường nhôm Việt Nam đang giữ mức tăng trưởng từ 15-20% mỗi năm. Dự báo ngành sản xuất nhôm còn khởi sắc do thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm trở lại.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội địa đang phải gồng mình trước vấn nạn nhôm ngoại nhập giá rẻ, nhôm kém chất lượng hoành hành và tìm cách chiếm giữ thị phần trong nước. Để giữ thị trường, các doanh nghiệp nhôm Việt đã chính thức “tuyên chiến” với đối thủ ngoại bằng nhiều cách khác nhau, trong đó Nam Hải Group dành nguồn lực để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất nhằm giành giật lại thị trường.

Bà Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổ hợp Công nghiệp Xây dựng Nam Hải.
Tiền thân là một doanh nghiệp nhỏ chuyên kinh doanh và thương mại các sản phẩm nhôm thanh, phụ kiện, phục vụ ngành xây lắp cửa nhôm, sau 25 năm xây dựng, dưới sự dẫn dắt của bà Dung, hiện Nam Hải Group trở thành tổ hợp công nghiệp xây dựng quy mô 30 triệu USD.
Năm 2010, với việc mua lại Công ty TNHH Cáp Thăng Long và cho ra đời công ty con Euroha, doanh nghiệp cho thấy sự quyết liệt trong việc tạo lập chỗ đứng cho thương hiệu nhôm Việt tại sân nhà.
Hai năm sau, Nam Hải Group tiếp tục tái đầu tư và thành lập thêm nhà máy sản xuất nhôm thanh định hình tiêu chuẩn châu Âu. Với tổng diện tích 30.000m2, hệ thống máy móc, thiết bị, dây chuyền hiện đại và tự động hóa có công suất 9.000 tấn một năm.

Bà Dung nhận giải thưởng "Chất lượng Quốc gia và giải thưởng chất lượng châu Á - Thái Bình Dương cho Công ty cổ phần Euroha" vào ngày 8/5/2016.
“Để cạnh tranh được, ngoài củng cố năng lực sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và giá thành hợp lý thì năng lực cạnh tranh trên thị trường cũng là vấn đề rất quan trọng. Chúng tôi cũng đã dành rất nhiều thời gian, tiền bạc để đầu tư phát triển hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng…” bà Dung chia sẻ.
Nhờ đó, các dòng sản phẩm nhôm EUA và dòng nhôm cao cấp Euroha của Nam Hải Group đều đạt quy chuẩn quốc gia về vật liệu xây dựng cũng như tiêu chuẩn nhôm và hợp kim nhôm do Ủy ban tiêu chuẩn châu Âu ban hành. Ngoài ra, sản phẩm đạt "Thương hiệu vàng Công nghiệp Việt Nam” Bộ Công Thương trao tặng; giải Bạc chất lượng quốc gia; top 500 sản phẩm - dịch vụ hàng đầu Việt Nam.
Bên cạnh đó, công ty chú trọng áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9001:2008, công cụ 5S để làm ra sản phẩm đạt chuẩn quốc gia vào hệ thống sản xuất cho doanh nghiệp. Qua đó, đảm bảo 100% sản phẩm xuất xưởng đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Bà Dung chụp hình lưu niệm cùng với các chuyên gia và doanh nhân trong chương trình "CEO - Chìa khóa thành công" của VTV1.
Theo lãnh đạo công ty, với xu thế hội nhập, sân chơi của các doanh nghiệp sẽ càng khó khăn do cạnh tranh khốc liệt. Song đó đồng thời cũng là thách thức. Đối với các doanh nghiệp sản xuất nhôm, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhập kém chất lượng mới chỉ là một phần của câu chuyện. Mỗi doanh nghiệp phải đối mặt với các đối thủ lớn mạnh cả trong và ngoài nước. Bởi vậy, muốn trụ vững, cạnh tranh thành công ngay chính tại sân nhà, doanh nghiệp cần hoạch định chiến lược dài hơi.
"Chúng tôi đã mất hơn 25 năm để không ngừng hoàn thiện, phát triển từ nhân sự đến hệ thống. Bởi chúng tôi đã nhìn trước được những áp lực mà chúng tôi sẽ phải đối mặt ngày hôm nay”, bà Dung bày tỏ.
Trong năm 2017, Nam Hải Group dự kiến nâng công suất nhà máy lên 10.000 tấn một năm. Trong 5 năm tiếp theo sẽ tăng lên 20.000-30.000 tấn một năm nhằm mở rộng ra thị trường nước ngoài để “tuyên chiến” trực tiếp với các đối thủ ngoại ngay tại chính sân nhà của họ
“Thuyền to thì sóng to. Tôi nhận thức rất rõ những thách thức mà mình và doanh nghiệp sẽ phải đối mặt thời gian tới. Sau khi tham gia chương trình CEO - Chìa khóa thành công của VTV1, tôi tự tin về tham vọng này của mình”, Chủ tịch Nam Hải Group chia sẻ.
Thanh Thư