Bệnh nhân nữ 56 tuổi (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cấp cứu tại BVĐK Tâm Anh TP HCM trong tình trạng đau ngực từng cơn, khó thở, vã mồ hôi. Đây là triệu chứng nhồi máu cơ tim cấp. Khai thác bệnh sử, bác sĩ phát hiện bà có tiền sử tăng huyết áp, mổ sửa van tim cách đây 3 năm, hẹp 40% mạch vành phải. Một tuần trước khi nhập viện, bà nhiễm cúm, có uống thuốc theo toa và đã khỏi bệnh.
Bệnh nhân được cấp cứu trong thời gian vàng, trong vòng một giờ sau khi khởi phát cơn đột quỵ tim. Các bác sĩ nong mạch, đặt stent mạch vành phải, cứu cơ tim khỏi nguy cơ hoại tử lan rộng. Bà xuất viện sau 2 ngày, được khuyến cáo tiêm phòng cúm mỗi năm.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, cho biết khi mắc cúm, người bệnh có nguy cơ gặp biến chứng hô hấp nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, suy hô hấp, nhiễm trùng phổi do vi khuẩn. Tuy nhiên, biến chứng ít người đề phòng là tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ tim.
"Trường hợp bệnh nhân nữ bị nhồi máu cơ tim cấp vào tuần đầu tiên sau khi khỏi cúm, có thể là biến chứng nguy hiểm mà virus cúm gây ra cho những người có bệnh nền tim mạch. Một số nghiên cứu quan sát cho thấy chủng ngừa cúm có thể phòng từ 15-45% nguy cơ nhồi máu cơ tim", PGS Vinh nói.

Người bệnh tim mạch có nguy cơ biến chứng nhồi máu cơ tim khi mắc bệnh cúm. Ảnh: Freepik
PGS Vinh thông tin thêm, theo UCLA Health, đối với người trưởng thành nhập viện vì cúm, biến chứng tim nghiêm trọng xảy ra ở khoảng 1/8 bệnh nhân, 7% trong số này tử vong. Ngoài ra, bệnh nhân có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim vào tuần đầu sau khi nhiễm cúm cao gấp 6 lần so với bất kỳ thời điểm nào khác.
Bệnh nhân tim mạch thường bị suy giảm sức đề kháng nên nếu nhiễm virus cúm thì triệu chứng sẽ nặng hơn. Virus cúm xâm nhập vào máu, phổi, các cơ quan khác. Lúc này, cơ thể buộc phải tạo ra phản ứng viêm để bảo vệ bản thân trước tác động của virus. Phản ứng viêm rất mạnh gây ra cục máu đông, làm tăng huyết áp, thậm chí khiến tim bị tổn thương. Ở những người bị bệnh mạch vành, mảng xơ vữa sẽ tích tụ trong động mạch. Virus cúm tấn công dễ khiến mảng xơ vữa bị vỡ, dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ não.
Các biến chứng ngoài tim do virus cúm gây ra nguy hiểm nhất là viêm phổi và suy hô hấp. Chúng tác động đến nhịp tim gây loạn nhịp, làm trầm trọng thêm triệu chứng suy tim.
Để phòng ngừa cúm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo, tất cả những người trên 60 tuổi, đặc biệt là người có bệnh tim mạch nên tiêm vaccine phòng cúm hàng năm. Việc làm này giúp kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động để phòng ngừa bệnh cũng như giảm nguy cơ biến chứng nặng và mau hồi phục nếu mắc bệnh.
Các nghiên cứu chứng minh vaccine giảm thiểu tỷ lệ tử vong do cúm ở bệnh nhân tim mạch. Ngoài ra, vaccine cúm giúp giảm nguy cơ biến chứng tim mạch (2,9% so với 4,7%) nếu bệnh nhân bị cúm. Ở những bệnh nhân nhập viện với hội chứng mạch vành cấp, các biến chứng nghiêm trọng xảy ra ít hơn ở nhóm tiêm vaccine so với nhóm không tiêm (9,5% so với 19%).

Người bệnh tim mạch tiêm vaccine phòng bệnh cúm miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Tuệ Diễm
Song song, mỗi người cần duy trì lối sống lành mạnh để tăng sức đề kháng cho cơ thể, chống lại virus gây bệnh. Theo đó, chế độ ăn uống cần hạn chế thịt đỏ, muối và đường; tăng cường rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt; tập thể dục đều đặn; kiểm soát căng thẳng; ngủ đủ giấc; không lạm dụng rượu, bia; không hút thuốc lá...
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi