2h sáng, chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) vắng tanh. Trong chợ hàng hóa để ngổn ngang.Vài chủ hàng ngồi phân loại, chờ khách. Bà Hương bán hàng nước đầu cổng cho biết, những người làm nghề gánh hàng thuê ở chợ đông nhất vào khoảng 3-4 giờ sáng.
Chỉ tay về hướng những phụ nữ tay cầm đòn gánh, đầu buộc hai sợi dây thừng, bà Hương cho biết: "Những người gánh thuê đấy!".
Nhọc nhằn kiếm cơm. Ảnh: Hải Thanh |
Mỗi tốp phụ nữ quần áo đã bạc màu, sờn chỉ. Nét mặt chị nào trông cũng khắc khổ, đôi mắt thâm quầng. Đồ nghề “kiếm cơm” chỉ có chiếc đòn gánh và hai sợi dây thừng, nhưng mỗi đêm các chị đã gánh cả tấn hàng.
Gần 4 giờ sáng, tiếng chào hàng, mặc cả râm ran khắp chợ. Mỗi khách đến “ăn hàng” có hơn chục phụ nữ cầm đòn gánh đứng vây quanh, chờ đợi.
Đặt ngửa chiếc đòn gánh ngồi nghỉ bên vỉa hè, chị Lê Thị Sáu, quê Ân Thi (Hưng Yên) cho biết, theo “nghề” đã được 15 năm. Ở khu vực chợ này, chị đã nhẵn mặt mọi chủ hàng và biết được tính cách của từng người. Một ngày làm việc của chị thường bắt đầu từ lúc mọi người còn đang say ngủ và ra về khi trời tảng sáng. Mỗi đêm như thế chị kiếm được khoảng 40-50 nghìn đồng.
Chị Sáu cho biết, tùy trọng lượng của gánh hàng mà chủ trả công cho các chị. Hàng 70-80 kg gánh ra đến cổng chợ được khoảng 4.000 đồng, nhẹ hơn 2.000 đồng. "Làm nghề này không chỉ vất vả mà còn phải nhẫn nhịn. Nhiều lúc có khúc mắc nhỏ giữa chủ hàng và khách, họ lại gọi chúng tôi đến để trút giận", chị Sáu tâm sự.
Chị Sáu ra sức gánh hàng ra điểm tập kết. Ảnh: Hải Thanh |
Giống như chị Sáu, chị Nguyễn Thị Trang (Hà Tây) cũng gắn bó về nghề gánh thuê hơn 10 năm nay. Trước khi đến với “nghề” chị đã từng làm nhiều việc khác nhau: nhặt ve chai, bán rau, buôn bán hàng khô… nhưng cho dù có khéo chắt bóp mấy cũng chỉ đủ nuôi miệng. Nghe mọi người mách, chị đến đầu quân vào một tốp gánh thuê trong chợ và gắn bó từ bấy đến nay.
Chị Trang cho biết, trừ khi ốm đau, còn bình thường nghỉ ngày nào đồng nghĩa với treo niêu ngày ấy. Nhiều lúc chán nghề, chị bỏ về quê, nhưng chỉ được một vài ngày rồi lại tìm lên.
Theo chị Nguyễn Thị Như Thảo, quê Phúc Thọ (Hà Tây), nghề này không những vất vả mà rất bạc. "Bây giờ còn khỏe thì không sao, sau này già rồi sức đâu mà gánh gồng…”, giọng chị nghẹn lại.
Xuân Tùng