Hóa đơn tiền điện tháng 7 của nhà anh Hoàng Thế Anh, Hà Nội. Ảnh do độc giả cung cấp. |
"Thanh toán xong tôi mới nhìn kỹ hóa đơn. Tháng nào tôi cũng nộp tiền nên nhớ rất rõ mức cước cho từng bậc thang. Chẳng lẽ giá điện tăng mà dân không được biết?", anh Thế Anh không khỏi thắc mắc khi trao đổi với phóng viên VnExpress.
Biểu giá điện sinh hoạt bậc thang | ||||||||||||||
|
Một điểm lạ khác trong hóa đơn là thời gian tính chỉ số điện bị rút ngắn đáng kể, chỉ 18 ngày, thay vì khoảng 30 ngày như thường lệ. Hàng xóm nhà anh ở khu chung cư Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng nhận những hóa đơn tương tự.
Khi anh Thế Anh thắc mắc, nhân viên trực đường dây nóng của Điện lực Hà Nội khẳng định điện chưa tăng giá, thay đổi trong cách tính hóa đơn là do có sự điều chỉnh thời gian ghi chỉ số.
"Họ giải thích cách tính nội suy do thu hẹp thời gian ghi chỉ số. Tôi không hiểu rõ lắm, nhưng điều băn khoăn nhất là tại sao họ rút ngắn thời gian ghi chỉ số, và khi thay đổi sao không thông báo để chúng tôi biết? Giữa lúc hàng hóa đắt đỏ như hiện nay, nhìn hóa đơn tiền điện như vậy ai chẳng giật mình?", anh nói thêm.
Trao đổi với VnExpress, đại diện đội quản lý điện lực tại khu dân cư nơi anh Thế Anh đang sinh sống cho biết, việc ghi chỉ số điện ở một số khu vực gặp khó khăn vì vấn đề nhân sự. Vì vậy, điện lực có biện pháp điều chỉnh bằng cách rút ngắn thời gian ghi số điện tại một vài hộ, hoặc chuyển việc thu tiền của vài khách hàng ở trạm này cho trạm khác nhằm san sẻ công việc.
Khi chuyển đổi, mỗi khu vực có mốc thời gian ghi số khác nhau nên mới có hiện tượng ngày ghi trên hóa đơn bị rút ngắn. Chẳng hạn đội quản lý khu vực A ghi số điện vào ngày 15 hàng tháng, còn đội khu vực B ghi từ ngày đầu tháng. Như vậy nếu một khách hàng từ khu vực A được tạm chuyển sang quản lý bởi B thì thời gian ghi số sẽ từ 15 tháng này đến mồng 1 tháng sau (chỉ 15 ngày, thay vì 30 ngày như thông thường.
Do thời gian ghi được rút ngắn nên hạn mức tính giá cũng được hạ xuống. Chẳng hạn trước đây, hộ sử dụng điện trong một tháng thì 100 số điện đầu tiên được tính giá 550 đồng một kWh. Nay số ngày ghi số là 18 ngày thì người dùng trả 550 đồng cho 67 số đầu tiên. Tương tự với các định mức 50 số tiếp theo để tính giá lũy tiến của một tháng được điều chỉnh thành 34 số với 18 ngày.
Những vấn đề về giá điện, xăng dầu, vật liệu xây dựng, và lương thực hiện đang được người dân hết sức quan tâm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Kinh doanh Điện Lực Hà Nội, cho biết theo cách tính trên, người dùng hoàn toàn không bị ảnh hưởng tới quyền lợi cũng như không có chuyện giá điện tăng như nghi ngờ của một số người.
Theo ông Tuấn việc thay đổi trên chỉ áp dụng trên một khu vực nhỏ với một vài hộ, rải rác tại một số địa bàn, và rất ít khi được thực hiện. Ngoài ra, điều chỉnh thời gian kiểu này chỉ diễn ra một lần, những tháng sau việc ghi số vẫn sẽ diễn ra 1 tháng một lần và hạn mức tính sử dụng để tính giá điện vẫn không đổi.
Ông Tuấn cho biết thêm, Điện lực luôn thông báo trước với khách hàng về tất cả các điều chỉnh, thay đổi thông qua nhân viên thu tiền, cán bộ thông tin tại tổ dân phố...
Tuy nhiên, cán bộ tại một đội quản lý điện lực cho hay nhiều trường hợp những thông tin điều chỉnh đã được phát tại đài phát thanh của các khu dân cư nhưng chủ hộ do bận công việc, hoặc không chú ý nên mới không nắm được thông tin. Từ đó mới gây ra thắc mắc không đáng có như trường hợp trên. Cũng có một số thay đổi nhỏ, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, đội quản lý chỉ giải thích khi có thắc mắc của khách hàng.
Xuân Hòa