Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông TP HCM, số vụ tai nạn vì xe cộ trong năm 2009 là 1.152, chỉ giảm 3 so với năm 2008; có 940 người chết, chỉ ít hơn 26 người so với năm ngoái. Số người bị thương là 495, tăng 83.
"Những con số này cho thấy chỉ tiêu về kéo giảm tai nạn giao thông, số người bị thương, đều không đạt được", ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban An toàn giao thông TP HCM cho biết trong cuộc họp về phương hướng năm 2010 khối vận tải công nghiệp đường bộ Sở Giao thông vận tải, sáng 7/1.
![]() |
Ùn tắc giao thông đang ngày một tăng tại TP HCM. Ảnh: Kiên Cường |
Về ùn tắc giao thông, hồi đầu năm lãnh đạo thành phố yêu cầu phải kéo giảm số vụ so với năm 2008. Nhưng kết quả trong 2009 hoàn toàn đi ngược lại với kỳ vọng này. Năm qua có 74 vụ ùn tắc giao thông hơn 30 phút tại Sài Gòn, tăng 26 so với 2008. "Trong đó có những vụ ùn tắc đến 4, 6, 9 tiếng đồng hồ, các phương tiện hầu như chỉ đứng yên, không nhúc nhích được", ông Tường cho biết.
Kế hoạch, chỉ tiêu giảm ùn tắc, tai nạn bị phá sản hoàn toàn trong năm qua khiến tình hình giao thông ngày một xấu đi. Để giải bài toán này, theo Sở Giao thông, bên cạnh nhiều giải pháp cấp bách, lâu dài, tạm thời, thành phố rất cần một "ưu tiên" như xử phạt nặng, cao hơn các địa phương khác.
"Tại cuộc họp với Bộ Tư pháp, thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, các bên đã thống nhất đồng ý là hai thành phố này sẽ có cơ chế riêng xử phạt bằng khung tăng rất nặng, đối với các hành vi gây mất an toàn giao thông so những địa phương khác", ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM nói.
Ông Thanh ví dụ, ôtô dừng đỗ không đúng nơi quy định, lập bến bãi trái phép, thay vì mức phạt hiện nay là 400.000 đồng, có thể TP HCM và Hà Nội được áp dụng mức tới 8 triệu đồng.
Ngoài tăng mức phạt, theo Phó giám đốc Sở, việc tăng cường hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là hết sức quan trọng. "Hiện thành phố chưa có biện pháp nào hạn chế xe cá nhân. Xe buýt vẫn là phương tiện công cộng chủ yều đến năm 2015-2020, vì năm 2016 mới chỉ có tuyến metro số 1 hoạt động", ông Thanh phân tích.
Đồng tình với quan điểm trên, nhưng ông Phạm Quốc Tài, Phó tổng giám đốc Công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn cho rằng không thể phát triển xe buýt với hiện trạng xe xuống cấp, chất lượng dịch vụ kém như hiện nay.
"Bến bãi xe buýt không có, đơn giá định mức luôn áp dụng chậm trễ, thiếu tiền như trong năm 2009: thành phố còn nợ tiền trợ giá xe buýt 167 tỷ đồng chưa thanh toán, làm sao nâng cao chất lượng dịch vụ", ông Tài bức xúc.
Nhiều chuyên gia khẳng định, cần phải thực hiện nhiều biện pháp tổng thể như quy hoạch số lượng xe taxi, bến bãi vận tải hàng hóa, làm mới hình ảnh xe buýt, thì mới mong đem lại bức tranh sáng hơn cho tình hình giao thông của TP HCM.
Dự kiến, trong thời gian tới, Sở Giao thông sẽ áp dụng thí điểm thẻ thông minh dùng cho hành khách đi xe buýt, chứ không phải thu tiền bằng tay như hiện nay. Hai tuyến số 1 và 27 sẽ triển khai đầu tiên loại hình này. Các vi phạm về vận tải hành khách công cộng năm 2009: hơn 700 trường hợp đón trả khách xa lề, gần 1.300 trường hợp đậu không đúng nơi quy định, 670 chạy sai lộ trình. Đón trả khách không đúng nơi quy định: 585 lỗi, không mở máy lạnh: 515; gian lận vé: hơn 200 trường hợp, bỏ trạm gần 170 trường hợp... |
Kiên Cường